Khủng hoảng và các vấn đề liên quan tới an ninh lương thực là từ khóa hot nhất trong năm 2023. Trước bối cảnh triển vọng kinh tế ảm đạm, xung đột quân sự cũng như El nino đã tạo nên cú sốc lớn đối với nguồn cung lương thực trên thếgiới, đẩy các quốc gia đứng trước bờ vực khủng hoảng và buộc đưa vấn đề này lên mức quan tâm toàn cầu. Trong báo cáo Rủi ro Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023 được công bố vào đầu năm, đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nguồn cung lương thực là một trong bốn mối đe dọa hàng đầu mà thế giới phải đối mặt trong năm nay và những năm tiếp theo.
Tổng quan tình hình thế giới
Chiến sự giữa Nga – Ukraine đến nay vẫn chưa có hồi kết và đang để lại tác động không hề nhỏ đối với nguồn cung lương thực toàn cầu. Làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm. Xung đột xảy ra đã cắt nguồn cung từ các cảng của Ukraine – nơi tập trung xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới bao gồm dầu hướng dương, các các loại ngũ cốc ngô, lúa mì. Đặc biệt dầu hướng dương và lúa mì là hai sản phẩm mà Ukraine chiếm tới tỷ trọng lần lượt 48% và 13% tổng lượng cung toàn cầu.
Ngoài ra, nguồn cung phân bón bị thiếu hụt kể từ khi Nga cắt đường ống khí đốt tới các nước châu Âu, ảnh hưởng không nhỏ tới mùa màng và năng suất cây trồng. Cũng trong năm 2022, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và gạo trắng nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá mặt hàng này trong nước. Điều này đã giáng một đòn chí mạng vào các thị trường thế giới vốn đang lao đao vì nguồn cung khan hiếm, đồng thời cũng khiến cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác tăng vọt, trong bối cảnh lạm phát và sức tiêu dùng của người dân bị co hẹp lại, không đủ chi tiêu.
Sang năm 2023 , nguồn cung đã được cải thiện phần nào tuy nhiên giá vẫn tăng mạnh dẫn đến lạm phát giá lương thực. Theo thống kê, 80% quốc gia ghi nhận lạm phát giá lương thực cao hơn lạm phát chung, cùng với tình trạng mất an ninh lương thực đang diễn ra một cách trầm trọng ở các quốc gia đang phát triển. Theo WFP, số người bị mất an ninh lương thực đã tăng lên hơn 345 triệu ở 82 quốc gia.
Bên cạnh các vấn đề về địa chính trị, thời tiết cực đoan cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới khủng hoảng lương thực. Hiện tượng El nino đã quay trở lại trong năm 2023 và được đánh giá là sẽ xác lập nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ trong năm 2024. El nino là hiện tượng thời tiết khô hạn không chỉgây ra hạn hán cục bộ mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng , xâm nhập mặn ,thiếu nước… Nhiều quốc gia cũng đã chuẩn bị tích trữ lương thực vào kho dự trữ quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu, do vậy giá lương thực được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới đây. Theo ông Peter Garnry -trưởng bộ phận chiến lược vốn tại Saxo Bank AS: “Với các kiểu thời tiết ngày càng trở nên bất ổn, quan điểm của chúng tôi là giá lương thực sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn so với những thập kỷ trước”.
Tác động đến Việt Nam
Lúa mì là một mặt hàng rất quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó nhập khẩu lúa mì khoảng 2 triệu tấn. Nếu thiếu nguồn cung lúa mì, trong tình hình giá các nguyên liệu đầu vào khác như bắp, đậu nành tăng giá sẽ tác động lớn đến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra còn làm gián đoạn nhiều ngành sản xuất như bánh kẹo, thực phẩm vì không có nguyên liệu thay thế.
Trước tình hình đó cùng với dự báo thời tiết cực đoan , Việt Nam đã chủ động tích trữ nguồn lương thực trong năm nay để đảm bảo nguồn cung đồng thời cân bằng an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn cung lương thực ở Việt Nam được duy trình khá ổn định, từ từng phải nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực đến nay Việt Nam không chỉ đảm bảo tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu hàng chục triệu tấn lương thực thực phẩm ra thế giới . Khi giá lương thực thế giới tăng nóng, xuất khẩu lúa gạo lại được hưởng lợi. Việt Nam hiện đang cung cấp 7 – 10% sản lượng cho thị trường gạo thế giới và thậm chí trong giai đoạn cuối năm 2022 đến nay giá lúa gạo xuất khẩu liên tục lập những kỷ lục tăng giá mới, đóng góp không nhỏ cho GDP chung của cả nước.
Tien Anh
- Ninh Thuận có dự án Khu đô thị Đầm Cà Ná quy mô 4.500 tỷ đồng
- Bắt đầu tháo dỡ chung cư mini ‘xây chui’ gần 200 căn hộ, đình chỉ hoạt động
- Hé lộ loạt thông tin mới nhất về siêu dự án tỷ USD gần 200ha của Vinhomes tại Long An
- Góc nhìn CTCK: Rung lắc có thể mạnh hơn, nhà đầu tư hạn chế mua đuổi
- Công nghệ giúp cho việc vận hành thị trường đơn giản, minh bạch hơn