Trong báo cáo triển vọng mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Trung Quốc được nhận định sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất không chỉ đối với nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương mà còn của cả thế giới trong những năm tới.
Theo hãng tin CNBC dẫn lời nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB trong cuộc họp báo về Triển vọng Phát triển châu Á, ông cho biết: “Trung Quốc rõ ràng vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới. Quốc gia này hiện vẫn chiếm gần một nửa GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Bất chấp tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và các dự đoán về việc nó sẽ tiếp tục chậm lại trong những năm tới, ông Park nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn “có khả năng đóng góp vào mức tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới”.
Ngay cả khi tăng trưởng chậm hơn, dữ liệu của ADB ước tính Trung Quốc sẽ đóng góp tới 46% tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển trong giai đoạn 2024-2025. Trong khi đó nếu dựa vào tỷ giá hối đoái ngang giá sức mua, một thước đo được ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng, Trung Quốc hiện chiếm 18% GDP toàn cầu và 48% GDP khu vực châu Á.
Trong năm 2024, ADB dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng GDP hàng năm là 4,8%, thấp hơn so với mục tiêu “khoảng 5%” do chính phủ đề ra. Trước đó vào năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, vượt mục tiêu chính thức là khoảng 5%.
Đối với một nền kinh tế tỷ dân khác của châu Á là Ấn Độ, ông Park nhận định: “Tầm quan trọng của Ấn Độ đối với tăng trưởng trong khu vực đang ngày càng tăng”. ADB kỳ vọng tăng trưởng của đất nước sẽ cao nhất trong khu vực, ở mức 7% vào năm 2024 và 7,2% vào năm 2025.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đang đạt được nhiều thành tựu kinh tế xuất sắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ và sản xuất. Trong quý 4/2023, nền kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ cao nhất trong 6 quý và vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia với tốc độ 8,4%.
Dù là một “điểm sáng”, ông Park cho biết quy mô nền kinh tế của quốc gia Nam Á này vẫn nhỏ hơn Trung Quốc, đặc biệt là về thước đo tỷ giá hối đoái ngang giá sức mua khi Trung Quốc vẫn đang gấp khoảng 2,5 lần so với Ấn Độ. Do đó, ông cho biết: “Theo tiêu chuẩn này, tôi nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để Ấn Độ có thể trở thành một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu”.
Trong báo cáo của mình, ngân hàng này cũng đưa ra kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á trong năm 2024 sẽ mạnh hơn một chút so với dự báo đưa ra vào tháng 12/2023 trước đó do nhu cầu nội địa gia tăng. Bất chấp giá năng lượng tăng, lạm phát cũng được dự đoán sẽ giảm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương từ mức 3,3% của năm 2023 xuống còn 3,2% trong năm nay.
Đối với các nền kinh tế tiên tiến khác, ADB dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2024. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo sẽ giảm xuống 1,9% so với mức 2,5% của năm 2023 trong khi nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng ở ngưỡng 0,6% trong năm 2024 so với ngưỡng 1,9% của năm 2023.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Cổ phiếu SHB lên mức cao nhất trong hơn một năm sau nhiều tin tức tích cực
- Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 29/1: Vẫn đang ở nhịp tăng điểm trung hạn
- “Nhà đang tranh chấp, không mua bán, không thế chấp” và sự thật không ngờ phía sau
- Thêm một doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công trái phiếu
- Thời điểm “bắt đáy” đón sóng tăng mới đã đến?