Áp lực điều chỉnh có thể đưa VN-Index về mức 1.200 điểm

ap luc dieu chinh co the dua vn index ve muc 1 200 diem 6613cb0c32f2a

(ĐTCK) Nếu như lực kéo VN-Index trong giai đoạn tăng điểm vừa qua là nhóm nhà đầu tư cá nhân, thì động lực chính đó đang dần suy giảm.

VN-Index: Kỳ vọng vào ngưỡng hỗ trợ

Tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.255,11 điểm, ghi nhận mức giảm 2,2%. Đây là mức giảm tương đối cao cho một tuần giao dịch khi xu hướng đang còn trong Uptrend (tăng giá). Trong đó, với phiên cuối tuần giảm 1,04%, chỉ số ghi nhận áp lực bán chi phối, số lượng mã cổ phiếu giảm giá gia tăng và áp đảo số mã tăng giá.

Mặt khác, xét về mặt giá trị giao dịch, nhóm nhà đầu tư cá nhân tăng bán ròng khi ngưỡng 1.265 điểm bị vi phạm. Yếu tố hỗ trợ chính của thị trường trong 2 phiên gần nhất thuộc về nhóm nhà đầu tư ngoại và tổ chức trong nước. Như vậy, nếu như lực kéo VN-Index trong giai đoạn tăng điểm vừa qua là nhóm nhà đầu tư cá nhân, thì động lực chính đó đang dần suy giảm và có khả năng kích hoạt thêm áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.

10 11 2 4346

Về khía cạnh kỹ thuật, VN-Index tạo ra khoảng trống giá khi xuyên thủng ngưỡng 1.265 điểm, xác nhận mẫu hình đảo chiều tại vùng đỉnh ngắn hạn. Với nhịp điều chỉnh giảm được xác nhận, chỉ số có thể trở về vùng hợp lưu của hỗ trợ giá và EMA 50 ngày tại 1.230 điểm. Trong bối cảnh nhà đầu tư còn thận trọng khi xem xét rủi ro thị trường và chờ đợi kết quả kinh doanh quý I/2024, áp lực điều chỉnh để đánh giá lại thị trường chung còn có thể đưa VN-Index về mức 1.200 điểm.

Bức tranh vĩ mô quý I/2024: Nhiều điểm sáng

Bối cảnh kinh tế chung của thế giới hiện tại vẫn trong giai đoạn phục hồi chậm, với việc kỳ vọng chung về các ngân hàng trung ương lớn có thể chỉ bắt đầu hạ lãi suất trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, tức muộn hơn so với kỳ vọng hồi cuối năm 2023.

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam dù có độ mở rộng nhưng vẫn đang cho thấy nhiều điểm tích cực hơn so với mặt bằng chung của toàn cầu. Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024 của Tổng cục Thống kê, mức tăng 5,66% của GDP là mức cao nhất trong quý đầu tiên 5 năm qua và quay trở lại mức tăng của giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Điểm sáng trong bức tranh GDP là mức tăng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Với mức tăng hơn 6%, các nhóm ngành này đang quay trở lại đà phục hồi, trong đó có sự đóng góp của mức tăng giải ngân đầu tư công tác động tích cực đến nhóm ngành xây dựng. Trong khi đó, sự phục hồi của nhóm ngành du lịch có dấu hiệu tăng tốc khi số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi ở mức 2 con số. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tăng 17%, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho nhóm ngành sản xuất trong nước.

Về lạm phát, chỉ số CPI vẫn đang được kiểm soát ở mức 3,77%, trong mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng CPI nằm ở giá nhà và bất động sản, cũng như giá thực phẩm. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phục hồi chậm, có thể sắp tới chỉ số CPI tiếp tục tăng nhẹ theo sự phục hồi của mặt bằng chung giá nhà.

Kết quả tích cực của các chỉ số vĩ mô đang tạo ra mức đà khả quan cho kinh tế cả năm 2024. Các tổ chức lớn dự báo, GDP năm nay có thể tăng 6 – 6,5%, đặc biệt khi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, giúp kinh tế ở các nước đang phát triển như Việt Nam thu hút được dòng tiền lớn hơn.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/