Các nhà nghiên cứu cho biết phần lớn lượng khí thải carbon dioxide làm nóng hành tinh kể từ năm 2016 có thể chỉ bắt nguồn từ một nhóm 57 nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch và xi măng.
Theo hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo Carbon Majors của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận InfluenceMap, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2022, 57 thực thể bao gồm các quốc gia, công ty nhà nước và công ty thuộc sở hữu của nhà đầu tư đã tạo ra 80% lượng khí thải CO2 trên thế giới từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.
Cụ thể, 3 công ty phát thải CO2 hàng đầu theo báo cáo trong giai đoạn trên là công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Arabia là Saudi Aramco, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và công ty thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ Coal India. Khi được Reuters liên hệ, Saudi Aramco, Coal India và Gazprom không trả lời các yêu cầu đưa ra bình luận.
Báo cáo Carbon Majors cho thấy hầu hết các công ty đã mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2015, thời điểm mà gần như tất cả các quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris của Liên Hợp Quốc, trong đó đưa ra các cam kết hành động nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.
Dù nhiều mục tiêu hạn chế phát thải khắt khe hơn đã được đặt ra trong khi việc sản xuất năng lượng tái tạo được mở rộng, các chính phủ và công ty cũng sản xuất và đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn, khiến lượng khí thải tăng lên. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu đã tăng 410 triệu tấn, tương đương 1,1%, vào năm 2023 lên 37,4 tỷ tấn.
Nhận định về kết quả báo cáo, InfluenceMap cho biết những phát hiện cho thấy một nhóm tương đối nhỏ các nguồn phát thải lại chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải CO2.
Nhận định về mục tiêu cuối cùng, Giám đốc chương trình Daan Van Acker của InfluenceMap cho biết: “Báo cáo có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, ví dụ như các quy trình pháp lý nhằm buộc các nhà sản xuất này phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do khí hậu, hoặc có thể được các học giả sử dụng để đánh giá sự đóng góp của các công ty này. Báo cáo cũng có thể được sử dụng bởi các nhóm vận động hoặc thậm chí bởi các nhà đầu tư”.
Báo cáo Carbon Majors được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 bởi tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Viện Trách nhiệm Khí hậu (CAI) có trụ sở tại Mỹ. Báo cáo Carbon Majors được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 bởi tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Viện Trách nhiệm Khí hậu. Nó kết hợp dữ liệu tự báo cáo của các công ty về sản xuất than, dầu và khí đốt với các nguồn như Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Hiệp hội Khai thác Quốc gia Mỹ và các nguồn dữ liệu ngành khác.
Hồi tháng 2 vừa qua, báo cáo này đã được trích dẫn trong một vụ kiện pháp lý do một nông dân Bỉ khởi kiện chống lại công ty dầu khí TotalEnergies của Pháp. Người nông dân lập luận rằng với tư cách là một trong 20 công ty phát thải CO2 hàng đầu thế giới, TotalEnergies phải chịu một phần trách nhiệm về thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh của ông do thời tiết khắc nghiệt.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về phát triển bền vững
- Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ đạo tạm dừng giao dịch khu đất 132 Bến Vân Đồn, quận 4
- Thiếu gia con nhà nòi, vào showbiz vì đam mê, kinh doanh bất động sản vẫn là bến đỗ cuối
- Thị trường ngày 22/7: Giá dầu tăng mạnh, khí tự nhiên, vàng, đồng và quặng sắt đồng loạt giảm, cao su thấp nhất gần 2 năm
- Dòng tiền chảy mạnh, VN-Index chinh phục lại mốc 1.290 điểm trong phiên chiều 28/3