Lãnh đạo BCM vừa có những chia sẻ về kế hoạch phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu bằng hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.
Phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC (HoSE: BCM) vừa thông qua kế hoạch phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu bằng hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với giá khởi điểm không thấp hơn 50.000 đồng/cp. Số tiền huy động được tối thiểu 15.000 tỷ đồng để công ty thực hiện các dự án. Trong đó, BCM dự kiến dùng 6.300 tỷ đồng để thực hiện đầu tư dự án Khu công nghiệp Cây Trường (2.800 tỷ đồng) và Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (3.500 tỷ đồng).
Vị trí dự án dự kiến BCM sẽ triển khai |
Ngoài ra, BCM sẽ dùng 3.634 tỷ đồng để góp vốn vào các công ty VSIP (2.118 tỷ đồng), Becamex Bình Phước (900 tỷ đồng), BVP (216 tỷ đồng), VSSES (200 tỷ đồng), Becamex Bình Định (200 tỷ đồng) và dùng 5.066 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính. Vốn điều lệ hiện tại của BCM là 10.350 tỷ đồng, tương ứng 1.035 triệu cổ phiếu lưu hành. Sau phát hành, vốn điều lệ công ty tăng lên 13.350 tỷ đồng và có 1.335 triệu cổ phiếu lưu hành.
Trả lời vấn đề tại sao không giảm giá chào bán, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra, ông Quảng Văn Viết Cương – Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết: “Vì hình thức chúng ta chọn là phát hành thêm cổ phiếu, đấu giá công khai trên sàn, tiêu chí cần đáp ứng theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải là bình quân giá đóng cửa 30 phiên trên sàn. Mức giá không thấp hơn 50.000 đồng/cp đưa ra vừa đảm bảo nguyên tắc xác định giá, vừa đảm bảo lợi ích cho cổ đông hiện hữu, vừa đảm bảo quy định của Nhà nước. Đây chỉ là phát hành thêm cổ phiếu mới, còn trường hợp Nhà nước thoái vốn thì các yếu tố ràng buộc để xác định giá càng khó khăn hơn”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Becamex IDC khẳng định: “Chúng tôi dứt khoát không chấp nhận thực hiện đấu giá cổ phiếu với giá dưới 50.000 đồng/cp. Minh chứng là thị giá 66.000 đồng/cp, không có lý do gì để hạ giá cổ phiếu xuống huy động thêm vốn. Becamex IDC còn cổ đông Nhà nước nên phải chấp hành quy định pháp luật”.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc công ty cũng cho biết thêm, phương án đấu giá cổ phiếu đã được UBND tỉnh Bình Dương báo cáo Chính phủ và các bộ ngành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong các báo cáo đến Thủ tướng Chính phủ, ban lãnh đạo BCM khẳng định giá khởi điểm đấu giá không thấp hơn 50.000 đồng/cp. Hiện UBND tỉnh Bình Dương đang nắm giữ 95,44% vốn tại BCM, tương đương gần 988 triệu cổ phiếu.
Công ty dự kiến sẽ tiến hành đấu giá 300 triệu cổ phiếu trong giai đoạn 2024 – 2025 sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán.
Giá cổ phiếu chưa phản ánh hết triển vọng của BCM?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BCM hiện vẫn đang trong nhịp tăng tốt, bắt đầu từ ngày 23/4 cho tới nay, thì giá BCM đã tăng tới 25%. Không chỉ giá mà thanh khoản của Becamex IDC cũng tăng mạnh trong giao đoạn này, khi có liến tiếp các phiên giao dịch khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu, gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đó.
Nhịp tăng giá khá ấn tượng của cổ phiếu BCM |
Tuy nhiên, vùng giá hiện tại của Becamex vẫn đang kém tương đối xa so với dự phóng của một số công ty chứng khoán. Cụ thể, trong báo cáo công bố cuối tháng 3, nhóm phân tích MBS Research khuyến nghị giá mục tiêu BCM là 78.000 đồng. Dự phóng này dựa trên dự báo lợi nhuận ròng năm nay đạt 1.198 tỷ đồng, giảm phân nửa so với năm trước, nhưng lợi nhuận 2025 có thể hồi phục mạnh đến 68% lên 2.016 tỷ đồng.
Theo MBS Research, triển vọng của cổ phiếu Becamex đến từ ngành bất động sản khu công nghiệp khởi sắc khi thu hút FDI tích cực hơn nhờ Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cộng thêm các dự án khu công nghiệp lớn được đẩy mạnh đầu tư.
Cũng theo chuyên gia phân tích của MBS, với BCM, nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro với cổ phiếu này như rủi ro từ suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thuê đất công nghiệp giảm sút; Rủi ro giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ; Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao hơn dự kiến và rủi ro từ chính sách vĩ mô trong nước, các rào cản thương mại, hiệp định khu vực, toàn cầu mà Việt Nam tham gia.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm, Becamex ghi nhận doanh thu đạt 812 tỷ đồng, nhích nhẹ so với mức gần 792 tỷ đồng của cùng kỳ. Hơn phân nửa nguồn thu của công ty đến từ kinh doanh bất động sản, còn thiểu số đến từ bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 119 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản tính đến cuối quý 1/2024 đạt 54.069 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho chiểm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản với 38%, tương đương 20.348 tỷ đồng. Công ty hiện có hơn 34.543 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Theo báo cáo thường niên mới công bố, kế hoạch kinh doanh của công ty mẹ năm nay lần lượt là doanh thu tăng 4% lên 7.569 tỷ đồng và lợi nhuận tương đương mức 1.666 tỷ đồng của năm 2023.
- Dệt may TNG lập kỷ lục về doanh thu tiêu thụ trong quý 3
- Tiếp tục kiến nghị sửa đổi quy định về phương pháp thặng dư trong dự thảo mới
- Hụt thu từ mảng bất động sản, Dabaco bão lãi quý 3 sụt giảm 94%
- Chu kỳ thắt chặt tiền tệ của thế giới đang đến hồi kết
- Góc nhìn CTCK: Rủi ro ngắn hạn ở mức cao, tín hiệu hồi phục chưa đủ mạnh