Buy in hold: Chiến lược không dễ áp dụng tại thị trường chứng khoán Việt Nam

buy in hold chien luoc khong de ap dung tai thi truong chung khoan viet nam 661d057c15368

(ĐTCK) Khác với thị trường nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam có đặc trưng riêng, khoảng 70% vốn hoá thuộc các nhóm cổ phiếu có tính chu kỳ cao khiến cho chiến lược “buy and hold” trở nên khó khăn hơn.

“Buy and hold” được hiểu đơn giản là chiến lược mua và nắm giữ. Đây là một chiến lược đầu tư thụ động và nắm giữ dài hạn, nhà đầu tư cũng sẽ bỏ qua những giai đoạn thị trường biến động và suy giảm mà chỉ tập trung vào năng lực cũng như nền tảng phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn.

Trên thế giới, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã rất nổi tiếng với chiến lược mua và nắm giữ trong thời gian dài giúp tạo ra lợi nhuận lớn cho ông và các cổ đông của Berkshire Hathaway. Chiến lược này cũng là một trong những nguyên tắc giúp John Bogle – người sáng lập của Vanguard Group gặt hái nhiều thành công trên hành trình đầu tư.

Những nhà đầu tư này đã chứng minh rằng việc mua và giữ cổ phiếu trong thời gian dài có thể đạt được thành công đáng kể, nhất là khi kết hợp với việc chọn lọc cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và cận trọng trong quản lý rủi ro.

Tuy nhiên, trong talkshow Chờ ngày nắng về vừa qua, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research chia sẻ, bà đã nghe được nhiều phản hồi của khách hàng trong ngành quản lý đầu tư đầu tư rằng: Việc đầu tư ở Việt Nam khó hơn đầu tư ở nước ngoài, nhất là việc áp dụng chiến lược buy and hold. Kể cả buy and hold trong thời gian dài thì tỷ suất lợi nhuận cũng không được như mong muốn. Ví dụ, thị trường Mỹ thường đi lên trong một chặng khá dài và nhà đầu tư có thể yên tâm để tiền nhưng ở Việt Nam để làm được việc này khó hơn rất nhiều.

Với góc nhìn của ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment – người đã có thời gian dài nghiên cứu về buy and hold ở cả thị trường Mỹ và Việt Nam, có một số điểm khác biệt ở hai thị trường này khiến cho việc áp dụng buy and hold ở Việt Nam khó hơn ở Mỹ.

Thứ nhất, khi nhà đầu tư xác định buy and hold tức thời gian đầu tư là phải dài hạn. Bản chất trong đầu tư có một điểm rất quan trọng là nhà đầu tư phải cân bằng giữa “tài sản nợ” và “tài sản có”. Nhà đầu tư phải nhìn nhận chúng ta muốn đầu tư dài hạn 3 – 5 năm nhưng nguồn vốn của chúng ta có phải là nguồn vốn 3 – 5 năm không, hay nguồn vốn của chúng ta là ngắn hạn?

“Vì vậy xác định sai duration (thời kỳ đáo hạn) của liability (tài sản nợ) mà mình có thể đầu tư thì đã là sai. Nghĩa là việc đầu tiên phải xác định được nguồn vốn có phải buy in hold không”, ông Trung nói.

Thứ hai, thị trường Mỹ có rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng bất chấp khó khăn của nền kinh tế. Trong khi đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam là các ngành bất động sản, chứng khoán, ngân hàng chiếm đến 60 – 70% vốn hoá thị trường. Đây đều là những nhóm ngành mang tính chu kỳ, tăng giảm theo chu kỳ của nền kinh tế, còn số doanh nghiệp tăng trưởng trong điều kiện kinh tế khó khăn là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Hoàng Việt Phương và ông Lã Giang Trung
Bà Hoàng Việt Phương và ông Lã Giang Trung

Trước đây, Việt Nam có những ông lớn như MWG, PNJ, VNM, FPT nhưng giờ đây, MWG khi đạt được quy mô lớn rồi thì lại trở thành doanh nghiệp chu kỳ, “lợi nhuận đang từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng về không đồng nào”, do đó chỉ còn vài cái tên như PNJ, FPT.

“Vậy thì nhà đầu tư dùng chiến lược buy in hold cho một tập các doanh nghiệp đa phần theo tính chu kỳ là không chuẩn”, CEO Passion Investment đánh giá.

Trong khi đó, mỗi năm, thị trường chứng khoán có 1 – 2 đợt điều chỉnh, mỗi đợt giảm bình quân khoảng 15%, kéo theo cổ phiếu có thể giảm 30%.

Đơn cử HPG cũng là doanh nghiệp tốt, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp vẫn có quý âm. Có những thời điểm mọi người rất thích “buy” HPG, vậy liệu rằng nhà đầu tư có chịu được việc cổ phiếu giảm như vậy không, dù sau này mọi thứ vẫn tốt?

Khi theo dõi các cổ phiếu tăng trưởng của Mỹ gồm cả Google, Amazon, ông Trung nhận thấy trong giai đoạn đầu doanh nghiệp được định giá thấp, lợi nhuận tăng trưởng liên tục, khi thị trường điều chỉnh thì những cổ phiếu này vẫn giảm 50% như thường. Mặc dù sau đó cổ phiếu rất nhanh vượt qua đỉnh cũ nhưng điều này cho thấy thực tế ngay cả những doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh thì vẫn có những cú giảm mạnh.

“Như vậy các bạn có chịu được 50% giảm lãi trong việc buy in hold không? Nếu các bạn không chịu được thì các bạn không thể buy in hold được. Chúng ta phải tìm hiểu bản chất của mình như thế nào. Buy in hold khá khó, nó chỉ dành cho một số nhà đầu tư đáp ứng được về mặt liability, về mặt tâm lý và biết lựa chọn những cổ phiếu phù hợp”, ông Lã Giang Trung nhấn mạnh.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/