Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC), đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đã giành được đa số phiếu bầu với tỷ lệ cao hơn so với cuộc bầu cử năm 2018.
Khmer Times ngày 2/8 đưa tin, trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII ngày 23/7, đảng CPP đã giành chiến thắng áp đảo với hơn 6.398.311 phiếu bầu, chiếm 82,3% trong tổng số 8.213.260 cử tri hợp lệ, giành được hơn 120/125 ghế trong Quốc hội.
Kết quả này cho thấy tỷ lệ ủng hộ CPP đã tăng lên so năm 2018 – thời điểm đảng này giành được 4.889.113 phiếu, tương ứng với 76,85% tổng số cử tri và giành được tất cả 125 ghế.
Tỷ lệ phiếu ủng hộ các đảng tại Campuchia trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018 và 2023. Ảnh: NEC |
Đảng về nhì trong cuộc bầu cử lần này là đảng bảo hoàng Funcinpec với 716.490 phiếu bầu (chiếm tỷ lệ hơn 9%) và được dự đoán sẽ giành 5 ghế trong Quốc hội. Xếp thứ ba là đảng Khmer Quốc gia Thống nhất (KUNP) với 134.285 phiếu bầu (chiếm tỷ lệ 1,7%), sau đó là đảng Thanh niên Campuchia (CYP) với 93.412 phiếu và đảng Pháp trị (DP) nhận được 84.030 phiếu.
Theo NEC, cuộc bầu cử ngày 23/7 tại Campuchia đã ghi nhận cử tri đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao khoảng 85%, tại 23.789 điểm bỏ phiếu thuộc 25 khu vực bầu cử trên toàn quốc. Trong đó, trên 7,7 triệu phiếu bầu hợp lệ và khoảng 440.000 phiếu bầu không hợp lệ.
Có 18 chính đảng tại Campuchia tham gia cuộc bầu cử để bầu ra các thành viên Quốc hội, bao gồm đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP), đảng Thanh niên Campuchia (CYP), đảng Khmer Quốc gia Thống nhất (KUNP), đảng Pháp trị (DP), đảng Quyền lực Dân chủ (DPP), đảng Quốc tịch Campuchia (CNP), đảng Khmer Hợp nhất (KUP), đảng Khmer Bảo thủ (KCP), đảng bảo hoàng Funcinpec, đảng Xã hội Dân chủ Tổ ong (BSDP), đảng Dân nguyện (PPP), đảng Ekpheap Cheat Khmer (ECKP), đảng Phụ nữ vì Phụ nữ (WPFW), Khmer Thoát nghèo (KAPP), đảng Khmer Phát triển Kinh tế (KEPP), đảng Dân tộc Bản địa Dân chủ Campuchia (CIPP), đảng Dân chủ Cơ sở (GDP) và đảng Nông dân Khmer (KFP).
NEC cho biết, kết quả chính thức của cuộc bầu cử và số ghế trong Quốc hội sẽ được công bố vào ngày 4/8.
Tướng Hun Manet đi bỏ phiếu tại thủ đô Phnom Penh, ngày 23/7. Ảnh: Khmer Times |
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen – người đã nắm quyền đất nước trong hơn 38 năm qua, tuần trước tuyên bố rằng ông sẽ từ chức vào ngày 22/8 và chuyển giao quyền lực cho con trai cả là tướng Hun Manet. Nhà lãnh đạo 70 tuổi cho biết các thành viên của Nội các mới cũng sẽ tuyên thệ nhậm chức cùng ngày.
Sau khi từ chức, ông sẽ được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng tối cao của Nhà vua Campuchia. Ông cũng sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện Campuchia, thay thế ông Say Chhum sau cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 25/2/2024.
Thủ tướng Hun Sen nói thêm rằng ông cũng sẽ không can thiệp vào công việc của Tướng Hun Manet sau khi ông ấy nhậm chức.
Ông Hun Sen cho biết nhiệm vụ tiếp theo của tướng Manet là lựa chọn các thành viên của chính phủ mới. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền cho biết 90% bộ trưởng trong chính phủ hiện nay sẽ được thay thế trong chính quyền mới, chủ yếu bằng những người trẻ hơn.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 18/8
- Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1.000 tỷ đồng trên sàn HOSE trong phiên giảm mạnh ngày 18/3
- KQKD Quý II/2023 – TPBank ghi nhận kết quả kinh tích cực trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức
- Nhiều sở ngành chậm chạp trong xử lý 64 dự án “ôm đất” rồi bỏ hoang
- Mối quan hệ Ba Lan – Ukraine cần có ‘nỗ lực khổng lồ’ nếu muốn hàn gắn