“Chênh vênh” cổ phiếu gạo

chenh venh co phieu gao 6628e2d45c2e5

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân trong quý I/2024 tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023

(ĐTCK) Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng cả về sản lượng và giá trị, nhưng cổ phiếu nhóm này khá chênh vênh vì nhiều lý do.

Điểm sáng xuất khẩu

Những tháng đầu năm 2024, ngành lúa gạo Việt Nam liên tiếp đón nhận những tín hiệu lạc quan như 7 doanh nghiệp trúng 10/17 gói thầu, cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia – quốc gia này có kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay; Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về việc bán 1,5 – 2 triệu tấn gạo/năm cho Philippines trong 5 năm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,18 triệu tấn, mang về doanh thu 1,43 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về kim ngạch; giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Philipines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia.

Theo nhiều dự báo, giá gạo thế giới có thể tiếp tục tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt vì thời tiết diễn biến bất lợi ở không ít nước sản xuất lúa gạo hàng đầu, trong khi nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường gia tăng. Đáng lưu ý, Ấn Độ – quốc gia vốn chiếm đến 40% thương mại về gạo toàn cầu – vẫn đang hạn chế xuất khẩu gạo.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn.

Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; kim ngạch đạt 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về giá trị; giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn, tăng 18,2% so với năm 2022.

Theo báo cáo “Triển vọng hàng hóa toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu khó có thể giảm trước năm 2025.

Chênh vênh cổ phiếu

Kết quả kinh doanh năm 2023 của nhiều doanh nghiệp gạo sụt giảm, dù ngành gạo ghi nhận một năm thuận lợi.

Ngược lại với sự vững vàng của kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp ngành này trên sàn chứng khoán đang trong tình trạng chênh vênh như cổ phiếu TAR của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bị hạn chế giao dịch, cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angrimex) đang bị kiểm soát, cổ phiếu LTG của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời có diễn biến giảm giá sau khi lợi nhuận sau thuế năm 2023 được đơn vị kiểm toán điều chỉnh giảm mạnh so với báo cáo doanh nghiệp tự lập…

Đáng lưu ý, cổ phiếu TAR đang đối diện với nguy cơ bị huỷ niêm yết do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023.

Giải trình về ý kiến của kiểm toán, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Công ty đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/9/2023 gồm chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021, thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho trong báo cáo tài chính năm 2022 với giá trị hơn 1.255 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng của các vấn đề này đến các báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023.

Về hàng tồn kho, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An không tiến hành kiểm kê hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023 và cũng không thể hỗ trợ việc kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm kiểm toán. Với những hồ sơ hiện lưu giữ tại Công ty, đơn vị kiểm toán không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán truy hồi số liệu hàng tồn kho tại ngày 31/12/2023 được trình bày trên báo cáo tài chính hợp nhất với số tiền hơn 965 tỷ đồng.

Năm 2023, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lỗ 15,6 tỷ đồng, hiện chưa công bố thời điểm tổ chức đại hội cổ đông cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Với cổ phiếu AGM, cổ phiếu này bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 5/4/2024 do lợi nhuận sau thuế 2 năm gần nhất (2022 – 2023) là con số âm, chưa kể tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023.

Angrimex đang nỗ lực tái cấu trúc để có lãi trở lại, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi do thế giới thiếu hụt nguồn cung, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines có nhu cầu tăng số lượng gạo nhập khẩu.

Năm 2024, Agrimex đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 2.854 tỷ đồng, tăng 23%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 27 tỷ đồng (năm 2023 lỗ 214 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 234 tỷ đồng). Công ty sẽ tập trung phát triển doanh số các thị trường, khách hàng có khả năng giao hàng và thanh toán nhanh, đẩy mạnh các giao dịch gạo chất lượng cao, tìm kiếm khách hàng xuất khẩu mới tại những thị trường trọng điểm như châu Á, châu Âu. Đồng thời, tăng cường các hoạt động bán hàng trong nước, mở rộng dịch vụ phân phối đa kênh trực tiếp đến người tiêu dùng, chú trọng vào kênh siêu thị, phát triển hệ thống đại lý. Bên cạnh đó, hợp tác cùng các đối tác, tập đoàn tham gia các gói thầu dự trữ quốc gia, thầu chính phủ; tái cấu trúc danh mục sản phẩm dựa trên việc xây dựng thương hiệu dài hạn, rà soát ổn định chất lượng. Ngoài ra, thanh lý một số tài sản và thoái vốn đầu tư tại một số công ty con, công ty liên doanh, liên kết để bổ sung vốn lưu động.

Trong khi đó, Tập đoàn Lộc Trời đã và đang chuẩn bị nội lực để đón đầu cơ hội từ thị trường. Cuối năm 2023, doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu và giao hàng thành công các gói thầu cung ứng gạo cho Bulog, cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia, với tổng số lượng trên 180.000 tấn gạo. Lộc Trời cho hay, việc ký kết và trao đổi ý định thư tài trợ gói tín dụng 90 triệu USD giữa Lộc Trời và Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan hồi đầu tháng 11/2023 sẽ tạo động lực cho Tập đoàn tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2024, Tập đoàn Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao đạt 1.000 tỷ đồng (năm 2023, chi phí khấu hao và hao mòn là 238,8 tỷ đồng, tăng 10%).

Năm 2023, Lộc Trời đạt gần 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh so với mức 557,6 tỷ đồng năm 2022, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng thêm 289,1 tỷ đồng, lên 582,2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 243,4 tỷ đồng, lên 641,1 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế là 16,5 tỷ đồng.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/