Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 năm 2023, nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc đạt hơn 8,4 tỷ USD, tính chung trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 49,6 tỷ USD, giảm 19% so với kim ngạch xuất khẩu trong cùng kỳ năm 2022.
Đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác với kim ngạch 10,17 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Xếp thứ 2 là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch 10,01 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh các mặt hàng về máy móc và công nghệ, Việt Nam đã chi hơn 4 tỷ USD nhập khẩu vải may mặc các loại từ Trung Quốc, xếp thứ 3 về kim ngạch trong số các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia này. Cụ thể, nhập khẩu vải các loại từ Trung Quốc trông 6 tháng đầu năm đạt 4,066 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023 tuy nhiên tăng so với thời điểm đầu năm 2023.
Trong nửa đầu năm, nhập khẩu vải các loại của cả nước đạt 6,4 tỷ USD, như vậy Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất các loại vải may mặc cho Việt Nam khi chiếm hơn 63,4% thị phần tại Việt Nam.
Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 47 tỷ USD. Ngoài quần áo, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải với 2,13 tỷ USD (tính đến hết tháng 10/2022) trong khi kim ngạch nhập khẩu vải từ Trung Quốc đạt hơn 9,17 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu dệt may là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta, tuy nhiên vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, do đó nước ta phải nhập khẩu lượng lớn vải từ các thị trường nước ngoài, điển hình là Trung Quốc.
Trung Quốc giữ vai trò là quốc gia đứng đầu chuỗi cung ứng dệt may. Đây là nước xuất khẩu dệt may số một thế giới. Lý do tại sao Trung Quốc là một trong những quốc gia được ưu tiên nhập khẩu hàng dệt may nhất là do chi phí sản xuất thấp hơn, nguồn nguyên liệu thô chất lượng tốt, cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại và máy móc công nghệ cao có sẵn.
Ngành dệt may của Trung Quốc cung cấp một loạt các danh mục dệt may được các thương hiệu thời trang thèm muốn. Các danh mục này bao gồm sản xuất vải bông, vải lụa, vải len, vải dệt kim, vải hóa học, in ấn,… Tổng khối lượng xuất khẩu của ngành dệt may Trung Quốc chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu.
Về phía Trung Quốc, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia, từ năm 2000-2019, các sản phẩm may mặc của Trung Quốc đã tăng từ 7,159 tỷ chiếc lên 24,472 tỷ chiếc, với tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm khoảng 6,68%.
Năm 2020 do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng sợi, vải và may mặc của các doanh nghiệp quy mô trên tại Trung Quốc lần lượt giảm 8,4%, 15,7% và 7,65% so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2021 khi tình hình trở nên khả quan hơn, sản lượng sợi, vải và may mặc của Trung Quốc tăng lần lượt là 8,4%, 7,5% và 8,38%.
Bước sang năm 2023, trong tháng 1 và tháng 2, Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 5 tỷ mét vải quần áo. Khối lượng sản xuất dệt may hàng tháng luôn ở mức trên 3 tỷ mét.
Các cụm nhà máy sản xuất hàng dệt may tại Trung Quốc tập trung tại các tỉnh thành duyên hải miền đông, tại Triết Giang, Giang Tô, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sơn Đông, Hà Bắc. Những tỉnh, thành phố này thích hợp nhất để đặt nhà máy dệt may do các yếu tố giao thông thuận lợi, gần các thành phố lớn, gần cảng trung chuyển lớn đi thế giới. Ngoài ra có hệ thống công nghệ thông tin, thông tin liên lạc và giao thông tốt.
Nguồn: markettimes.vn/nganh-hang
- Phát Đạt muốn huy động hơn 1.300 tỷ đồng từ cổ đông để ‘rót’ vào loạt dự án
- Mỹ phủ quyết dự thảo của LHQ về xung đột Israel – Hamas
- Bầu cử tổng thống tại indonesia: Bộ trưởng Quốc phòng đang dẫn trước
- Chung kết cuộc thi “Quản trị công ty hướng tới phát triển bền vững – ESG Challenge 2023”
- Thị trường chìm trong sắc đỏ, cặp đôi HAG-HNG vẫn tạo sóng lớn