Chủ tịch Trung Quốc: Kinh tế đối diện với ‘khó khăn mới’

chu tich trung quoc kinh te doi dien voi kho khan moi 64bf2c3903e67

Trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 24/7 do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, các nhà lãnh đạo cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với “những khó khăn và thách thức mới”, đặt ra yêu cầu thay đổi chính sách.

Theo Tân Hoa Xã, cuộc họp cấp cao này được triệu tập để “phân tích và cân nhắc về các tình hình kinh tế mới nhất và vạch ra chiến lược kinh tế cho nửa cuối năm”. Trong khuôn khổ cuộc họp, đài truyền hình CCTV trích dẫn các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết “hoạt động kinh tế hiện nay đang đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, chủ yếu là do nhu cầu trong nước không đủ, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động, rủi ro cao và nguy cơ tiềm ẩn ở các khu vực trọng điểm cũng như môi trường bên ngoài phức tạp và khắc nghiệt”.

Trong tháng 7, Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2023 đạt 6,3% so với cùng kỳ năm 2022 khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng các chính sách phòng dịch nghiêm khắc. Con số này thấp hơn so với mức 7,1% được dự đoán trong một cuộc khảo sát các chuyên gia được AFP tổng hợp.

Nếu tính theo cơ sở quý – một cơ sở được coi như thực tế hơn – mức tăng trưởng GDP quý 2/2023 đạt 0,8% nhưng vẫn giảm mạnh so với mức 2,2% ghi nhận được trong quý 1 đầu năm khi nước này dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về zero Covid. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi 16 – 24 tăng từ mức 20,8% trong tháng 5 lên mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản của nước này vẫn chưa ghi nhận tiến triển đáng kể.

Trong bối cảnh đó, CCTV cho biết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24/7 đã đồng ý rằng nước này cần phải “áp dụng quy định kinh tế vĩ mô chính xác và hiệu quả, tăng cường quy định chống chu kỳ và dự trữ chính sách”. Đồng thời, cuộc họp cũng kêu gọi nỗ lực mở rộng tiêu dùng trong nước và “điều chỉnh và tối ưu hóa các chính sách bất động sản một cách kịp thời”.

Nhận định về những gì có thể xảy ra sau cuộc họp, nhà kinh tế Larry Hu của Macquarie cho biết: “Điểm chính cần theo dõi từ cuộc họp không phải là các biện pháp chính sách cụ thể, mà là quan điểm chính sách do các nhà lãnh đạo hàng đầu đề ra”.

Theo AFP trích dẫn ông, “chúng tôi không mong đợi các nhà hoạch định chính sách tung ra một gói kích thích kiểu bazooka. Nhiều khả năng, họ sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích một cách từng phần”. Trước đó ngày 21/6, Trung Quốc đã công bố một số biện pháp khuyến khích mua ô tô cùng các biện pháp khác nhằm thúc đẩy trí tuệ nhân tạo và tiêu thụ đồ điện tử.

Trong khi đó theo ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, lời kêu gọi hỗ trợ lĩnh vực bất động sản dường như cho thấy chính phủ Trung Quốc đã “nhận ra tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách trong lĩnh vực này để ổn định nền kinh tế”.

Trước mắt, Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023 – một trong những mục tiêu thấp nhất mà nền kinh tế thứ 2 thế giới đặt ra trong nhiều thập kỷ gần đây và đồng thời là mục tiêu mà Thủ tướng Lý Cường đã cảnh báo sẽ không dễ đạt được.

Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/