Cách tốt nhất để bù lỗ kinh doanh hoặc gom vốn mở rộng hoạt động là bán bất động sản. Quan niệm này thôi thúc Steve Wang và anh trai mua lại văn phòng và một số căn hộ cao cấp ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc trong vài năm qua. Họ coi đây vừa là khoản đầu tư, vừa là ‘quỹ dự phòng’ cho những trường hợp làm ăn không thuận lợi.
Tâm lý đầu cơ của những người như Steve Wang đã đẩy thị trường bất động sản Trung Quốc tăng trưởng kỷ lục trong hai thập kỷ. Đây cũng trở thành nguồn thu chính của chính quyền địa phương, đồng thời giúp các ông trùm bất động sản tư nhân lọt top danh sách những người giàu có nhất nhì đại lục.
Trước lo ngại rằng thị trường bất động sản phát triển quá nóng, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào năm 2017 rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Phương châm lặp đi lặp lại giúp chính sách những năm về sau được điều chỉnh.
Cuối năm 2020, Bắc Kinh quyết liệt hạn chế đòn bẩy tài chính trong lĩnh vực bất động sản. Quyết định này bóp nghẹt thanh khoản của nhiều nhà phát triển tư nhân, khiến họ vỡ nợ trái phiếu và đến bên bờ sụp đổ, chẳng hạn như Evergrande. Hoạt động phát triển bất động sản đình trệ, trong khi chính quyền địa phương vật lộn đối phó với tình hình doanh thu ‘ngàn cân treo sợi tóc’.
Cuộc khủng hoảng làm gia tăng rủi ro lên các khoản nợ xấu. Hàng triệu người dân mất ăn mất ngủ vì lo không được giao nhà. Bất ổn xã hội buộc giới chức Bắc Kinh phải nới lỏng kìm kẹp đối với lĩnh vực bất động sản.
“Trước đại dịch, các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty niêm yết, nắm giữ rất nhiều tài sản. Bất động sản không chỉ là những tài sản cố định có giá trị cao giúp chúng tôi vay vốn, mà còn mang lại rất nhiều lợi nhuận, thậm chí nhiều hơn cả hoạt động kinh doanh chính”, Wang, người đã kiếm bộn tiền nhờ đầu tư dự án quang điện lớn trên khắp cả nước cho biết. “Giá nhà đất đã giảm trở lại mức của năm 2018 và 2019. Chúng tôi sẽ không bán vì coi đây là tài sản cố định. Trong tương lai, tôi cũng chưa có kế hoạch mua thêm bất kỳ bất động sản mới nào. Lợi nhuận đang đi ngang. Đầu tư vào bất động sản bây giờ sẽ rủi ro đó”.
Các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là sau khi Bắc Kinh đã thực hiện phong tỏa quy mô lớn các khu vực đô thị lớn, trấn áp các tập đoàn công nghệ và siết chặt thị trường bất động sản. Niềm tin người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp suy giảm nhanh chóng.
Lo lắng càng tăng lên khi trong tháng này, Evergrande báo lỗ tổng cộng 81 tỷ USD trong năm 2021-2022. Các nhà phát triển bất động sản thương mại Dalian Wanda và Country Garden cũng gặp khó khăn trong việc trả nợ.
“Vấn đề lớn nhất đối với chính sách kinh tế là tốc độ thoái lui của các động lực tăng trưởng, chủ yếu là ở lĩnh vực bất động sản”, Wei He, một nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết.
Nhiều nhà phân tích đổ lỗi cho thị trường bất động sản bởi cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc bi quan trong quý II. Một số còn đưa ra cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh trong năm 2023. Triển vọng tăng trưởng ngày càng trở nên bất ổn.
“Trung Quốc đang đối mặt với áp lực phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong khi phải chịu cú sốc kép cả trong và ngoài nước. Chúng ta cần nỗ lực hơn để đảo ngược xu hướng giảm tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn”, Mao Zhenghua, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế tại Đại học Renmin, cho biết. “Chúng ta đang phải trả giá cho bong bóng bất động sản, thứ khiến giá tăng cao liên tục trong những năm qua. Đây là cách duy nhất để Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào bất động sản”.
Nhìn nhận nỗ lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc là một quá trình “sóng gió và khúc khuỷnh”, Bộ Chính trị lưu ý nhu cầu trong nước không đủ, lại “nhiều rủi ro tiềm ẩn ở các lĩnh vực quan trọng”. Theo Zhong Zhengsheng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ping An Securities, “việc khôi phục niềm tin vào các doanh nghiệp tư nhân” là rất quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
“Về cơ bản, sự hồi sinh niềm tin doanh nghiệp tư nhân nằm ở việc mở rộng nhu cầu trong nước”, Zhong Zhengsheng nói.
Theo SCMP, Bắc Kinh có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất thế chấp và nới lỏng hơn nữa các hạn chế tại các thành phố. Chính phủ cũng có thể thực hiện một đợt cải tạo khác liên quan đến “các làng đô thị” hoặc “thị trấn ma” kể từ năm 2015.
Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng của Zhongtai Securities, cho biết Trung Quốc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào bất động sản và mở rộng tiêu dùng. Nguyên nhân là bởi nước này đang phải đối mặt với một xã hội già hóa nhanh chóng trong khi tiềm năng tăng trưởng thấp đi.
“Bước ngoặt trong chu kỳ bất động sản đang đến gần. Lợi tức đầu tư cơ sở hạ tầng đang giảm. Áp lực nợ rất lớn, trong khi việc phụ thuộc vào bất động sản không còn bền vững”, Li Xunlei nhận định.
Dẫu vậy, theo Ma Guangyuan, đại diện Ủy ban Kinh tế Trung ương của Hiệp hội Xây dựng Quốc gia Trung Quốc, thị trường bất động sản trong tương lai vẫn sẽ là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc.
“Đây vẫn là kênh đầu tư chính”, Ma nói, đồng thời cho biết “thị trường bất động sản chính là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nói chung”.
Theo: SCMP
Nguồn: https://cafef.vn/bat-dong-san.chn
- Thị trường tài chính 24h: Một số cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh
- Doanh nghiệp liên quan Becamex IDC vừa được chấp thuận đầu tư khu công nghiệp gần 470ha tại Bình Thuận
- Huyện Gia Lâm trình đề án thành lập quận với 16 phường
- Tổng thống Putin: ‘Cuộc phản công của Ukraine đã thất bại’
- Cạn vốn, nhiều doanh nghiệp vay mượn tài sản của lãnh đạo