Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã từ chức đại biểu Quốc hội Campuchia, trong một động thái chuẩn bị cho việc nhậm chức Chủ tịch Thượng viện.
Khmer Times đưa tin, phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội Campuchia khóa VII ngày 1/4, cựu Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Hôm nay, tôi xin gửi thông điệp chia tay tới các thành viên Quốc hội và gửi đơn xin từ chức. Sự ra đi của tôi là để hoàn thành một nhiệm vụ khác, do vậy chúng ta vẫn có cơ hội để gặp nhau tại đây”.
Ông đã đề cập đến quãng thời gian “hơn nửa cuộc đời” gắn bó tại Quốc hội Campuchia, bao gồm 2 giai đoạn: từ tháng 6/1981 đến tháng 5/1993 và từ tháng 6/1993 đến ngày 2/4/2024.
Nói về giai đoạn đầu khi tham gia chính trường, ông cho biết: “Vào thời điểm đó, tôi đã trở thành đại biểu Quốc hội ở tuổi 29 và giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế. Tôi xin cảm ơn tất cả các cựu nghị sĩ khi đó đã bầu chọn tôi làm Thủ tướng ở tuổi 32.
Cũng trong bài phát biểu, ông Hun Sen – hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật tối cao của Nhà vua Campuchia và Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã gửi lời cảm ơn tất cả các đại biểu Quốc hội đã hỗ trợ ông trong công việc như sửa đổi Hiến pháp để thúc đẩy kinh tế Campuchia; ủng hộ cải cách đất đai để người dân có đất hợp pháp,…
Ông đã đề cập đến việc đã đổi tên nước từ “Cộng hòa Nhân dân Campuchia” thành “Vương quốc Campuchia” và thay đổi quốc kỳ của đất nước cho phù hợp với thời đại. Ông cho rằng đây là cơ hội quan trọng để cải cách chính trị, đặc biệt là giải quyết các xung đột nội bộ của Campuchia thông qua đàm phán.
Cựu Thủ tướng Hun Sen cũng cảm ơn tất cả các khóa đại biểu Quốc hội trước đây đã luôn động viên, giúp đỡ giải quyết nhiều vấn đề với ông thông qua đàm phán với Quốc vương Norodom Sihanouk.
Ông cho biết, trong các cuộc họp kín với các đại biểu Quốc hội, các đại biểu đã luôn động viên ông làm nhiều việc hơn nữa cho người dân Campuchia. “Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đã không từ chối ký Hiệp định Hòa bình Paris vào ngày 23/10/1991,” ông nói.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia khóa V diễn ra ngày 25/2, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền do ông Hun Sen làm Chủ tịch đã giành chiến thắng áp đảo trước 3 đảng chính trị còn lại (đảng Ý chí Khmer, đảng Funcinpec và đảng Sức mạnh Dân tộc).
Ông được đảng CPP bầu làm Chủ tịch Thượng viện Campuchia. Chức vụ này cho phép ông Hun Sen có vai trò quyền nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương ra nước ngoài. Các thành viên Thượng viện Campuchia khóa mới sẽ nhậm chức vào ngày 3/4 và tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên vào ngày 5/4.
Ông Hun Sen trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia vào năm 1979 sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, khi đó ông 27 tuổi. Ông giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia từ năm 1981 đến năm 1985.
Ngày 14/1/1985, ông Hun Sen nhậm chức Thủ tướng sau khi được Quốc hội nhất trí bầu để kế nhiệm ông Chan Sy – người qua đời tháng 12/1985. Ông trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới khi đó ở tuổi 32. Tính đến tháng 1/2023, ông đã đánh dấu 38 năm nắm giữ vị trí Thủ tướng Campuchia.
Tháng 8/2023, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố từ chức và chuyển giao quyền lực cho con trai là Đại tướng Hun Manet. Ông cho biết sẽ không can thiệp vào công việc của tướng Hun Manet sau khi ông ấy nhậm chức.
Sau khi từ chức, ông Hun Sen đã được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cơ mật tối cao. Ngoài ra, ông vẫn nắm giữ các quyền hạn với tư cách là Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP).
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Novaland (NVL) dự kiến được quỹ ETF mua vào khoảng 20 triệu cổ phiếu trong đợt cơ cấu danh mục quý I
- Bán đường thu hơn 12 tỷ đồng mỗi ngày, Chủ thương hiệu sữa đậu nành Fami báo lãi kỷ lục trong quý 2
- Hy hữu nhà đầu tư lướt sóng thành công khi thị trường trầm lắng: Mua nhà phố 9 tỷ, 5 tháng sau bán 11 tỷ đồng.
- Thị trường tài chính 24h: Vốn đổ vào kênh chứng khoán đang tăng lên rõ rệt
- Big_Trends: Nhà đầu tư đều gặp những sai lầm cố hữu