(ĐTCK) Câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thị trường tuần qua vẫn là việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền trên thị trường mở với phương thức phát hành tín phiếu đấu thầu lãi suất lên đến 90.000 tỷ đồng với mức lãi suất trung bình ở mức khá thấp 0,6-0,7%.
Đằng sau động thái này liên quan đến diễn biến kinh tế vĩ mô, tỷ giá, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và qua đó tác động đến xu hướng TTCK là dễ hiểu.
Dù vậy, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất liên ngân hàng tuần qua vẫn chưa nhích lên đáng kể sau những phiên hút ròng cho thấy, thanh khoản trên thị trường hai vẫn còn dư thừa. Nếu áp lực tỷ giá mạnh hơn trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn công cụ hạ nhiệt từ dự trữ ngoại hối. Vì vậy, “chính sách nới lỏng, linh hoạt” vẫn còn dư địa để duy trì.
Chỉ số CPI tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ, tăng 1,08% so với tháng trước – mức tăng khá cao so với các tháng trước đó, trên nền GDP 9 tháng chỉ đạt mức tăng trưởng 4,24%. Mặc dù có những nhiễu động, nhưng bức tranh vĩ mô thời điểm này có vẻ chưa có nhiều thay đổi cơ bản. Về tâm lý, việc Ngân hàng Nhà nước phải hút ròng về cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa hồi phục như những gì phản ánh trên TTCK mấy tháng qua. Dòng chảy tín dụng chưa lan tỏa đáng kể trong nền kinh tế và nhiều dự báo cho rằng, cần thêm thời gian để thấy tăng trưởng tín dụng hồi phục rõ nét hơn.
Trong khi đó, kỳ vọng đã đẩy giá cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành lên mức định giá cao. Chỉ số P/B của nhóm ngân hàng vào tuần giữa tháng 9 – trước khi thị trường điều chỉnh giảm mạnh, ở mức 1,7 lần P/B so với mức đỉnh gần 2 lần P/B. Nếu lợi nhuận của ngân hàng không tăng trưởng, tín dụng không tăng trưởng để giảm gánh nặng nợ xấu thì định giá cổ phiếu ngân hàng chưa được cải thiện ở mặt bằng giá này. Nhóm chứng khoán xét định giá P/B cũng tương tự, đã ở vùng cao so với trung bình và cơ hội chỉ còn ở những cổ phiếu có khả năng tạo lợi nhuận đột biến trong các tháng cuối năm.
Nhóm bất động sản, sau những tín hiệu phá băng đầu tiên của thị trường thì dòng tiền đầu cơ đã đẩy giá cổ phiếu đi khá xa. Ở mặt bằng giá này, để quyết định mua vào, nhà đầu tư vẫn phải đặt câu hỏi, lợi nhuận năm nay của doanh nghiệp bất động sản là bao nhiêu để xem định giá P/E là đắt hay rẻ. Với nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết, đây còn là vấn đề khá mù mờ.
Nhìn chung, nguyên nhân sâu xa khiến thị trường giảm mạnh là giá cổ phiếu nhiều nhóm ngành chính đã tăng cao nhưng lợi nhuận quý III trước mắt dự báo không theo kịp. Như nhận định của ông Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình “Cử nhân tài chính ứng dụng” liên kết Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) và Renes (Pháp), việc Ngân hàng Nhà nước mua tín phiếu chỉ là nguyên cơ trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa khiến thị trường giảm mạnh là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không đến nhanh theo kịp mức độ tăng giá của cổ phiếu.
Đợt điều chỉnh tuần qua đã giúp định giá thị trường “mềm hơn” và nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đã đến điểm mua trở lại trong bối cảnh bức tranh vĩ mô chưa thay đổi lớn?
Câu trả lời là luôn có cơ hội khi thị trường điều chỉnh, nhưng cơ hội đó nằm ở ngành nào, mã nào, nhà đầu tư cần dự báo, nắm bắt được thông tin tác động đến khả năng tăng trưởng của ngành, của mã cổ phiếu đó. Hy vọng những thông tin chia sẻ với bạn đọc trong mục Tiêu điểm của số báo này có thể phần nào giúp nhà đầu tư ra quyết định chính xác trong giai đoạn “biển động” này.
Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/