Chỉ 2% hay phải trên 10%?
Ngày 2/8, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, dự thảo mới nhất được chỉnh lý theo hướng chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng đã có giấy phép xây dựng, hoặc đã có thông báo khởi công xây dựng công trình (đối với trường hợp không phải cấp phép xây dựng); số tiền đặt cọc không vượt quá 2% giá bán, cho thuê mua.
Tỷ lệ giới hạn 2% này được lựa chọn căn cứ trên mức phí bảo lãnh trung bình cũng là 2% và nhằm mục đích kiểm soát việc đặt cọc chỉ để thăm dò thị trường, không phải huy động vốn.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng tỷ lệ giới hạn 2% số tiền đặt cọc này quá thấp, dễ dẫn đến tình trạng cả khách hàng và nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc khi không có nhu cầu nữa. Một số ý kiến đề nghị, nên quy định mức đặt cọc từ 10 – 15%.
Nới lỏng hay quản chặt chuyển nhượng?
Về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản hiện vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư không còn đủ năng lực hoặc không còn mong muốn thực hiện được chuyển nhượng dự án để tạo điều kiện cho dự án tiếp tục được triển khai, thay vì thu hồi dự án và thực hiện các thủ tục từ đầu sẽ rất chậm.
Theo luồng ý kiến này, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án không bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không bắt buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất.
Cũng có ý kiến nêu việc ràng buộc điều kiện quá chặt chẽ đối với bên chuyển nhượng dự án khi chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để thực hiện, không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ dẫn đến dự án không đủ điều kiện chuyển nhượng và tiếp tục đình trệ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc quản lý chặt chẽ đối với bên nhận chuyển nhượng sẽ bảo đảm cho dự án tiếp tục được thực hiện, hạn chế tình trạng chuyển nhượng nhiều lần hoặc thâu tóm dự án bằng cách mua lại cổ phần của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.
Phát triển theo hướng an toàn, bền vững
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng với Luật Đất đai và Luật Nhà ở, đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường bất động sản, đóng góp vào quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm quyền có nơi ở hợp pháp của công dân.
Sau 10 năm, Quốc hội tiếp tục xem xét sửa đổi đồng thời cả 3 luật này để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo ông Hải, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. “Đây là 2 định hướng quan trọng cần bám sát trong quá trình xây dựng luật. Các quy định phải tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển nhưng phải bảo đảm quản lý chặt chẽ để thị trường phát triển theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững”, ông Hải nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế và Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp nhất.
Đối với những nội dung không thống nhất được thì đề xuất các phương án, có phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng phương án; Bộ Xây dựng báo cáo với Chính phủ đưa ra quan điểm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Nguồn: https://cafef.vn/bat-dong-san.chn
- Vinhomes Ocean Park 2 đón hơn 200 thương hiệu kinh doanh chỉ sau 1 tháng chào thuê
- Doanh nghiệp niêm yết: Chông chênh con đường phía trước
- Hà Nam đấu giá khu Công viên kết hợp nhà ở, khởi điểm hơn 265 tỷ đồng
- ADB: Trung Quốc là động lực tăng trưởng lớn nhất của thế giới
- Thị trường gạo toàn cầu chuẩn bị đón làn sóng thỏa thuận liên chính phủ sau lệnh cấm của Ấn Độ