ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef – HNX: POT) được tổ chức sáng 22/3 tại Tổ hợp công nghiệp Postef, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, phường Phù Chẩn, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Theo báo cáo trình cổ đông của HĐQT, 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, các chi phí vẫn có xu hướng tăng trong khi doanh thu, lợi nhuận đạt rất thấp, hàng tồn kho vẫn cao. Dù công ty đã kiên trì bám sát thực hiện mục tiêu, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn không đạt được kế hoạch đã đề ra.
Trong năm 2023, Postef ghi nhận tổng doanh thu 1.158 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 21,8% và 82,3% so với cùng kỳ. Cổ tức cũng chỉ được chia ở mức 1%, so với 6,15% của năm 2022.
Sang năm 2024, tình hình biến động trên thế giới cũng như trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động đan xen. Trong bối cảnh này, Postef sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024, với tổng doanh thu 1.321 tỷ đồng (876 tỷ đồng doanh thu ngoài VNPT), lợi nhuận sau thuế 12,3 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ của POT cũng sẽ tiến hành xem xét miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc công ty của ông Nguyễn Huyền Sơn do nghỉ hưu theo chế độ; đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Bích Hồng và Thành viên BKS của ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Ở chiều ngược lại, đại hội sẽ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS. Trong đó, các ứng viên HĐQT bao gồm ông Dương Trung Lợi và ông Nguyễn Hồng Tiến, ứng viên BKS là ông Vương Toàn Dũng.
Trong khi ông Nguyễn Hồng Tiến và ông Vương Toàn Dũng là những cán bộ lâu năm của Postef, thì ông Dương Trung Lợi đang là cổ đông lớn, sở hữu 12,26% vốn điều lệ POT.
Ông Dương Trung Lợi hiện còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư & Thương mại Satori, đây là một pháp nhân có nhiều liên hệ tới gia đình Chủ tịch Tập đoàn Him Lam Dương Công Minh.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác sẽ được đề cập tại Đại hội lần này là diễn biến mới tại Dự án Công trình đa chức năng Postef tại số 61 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Theo báo cáo HĐQT, vào ngày 5/2/2024, POT đã niêm yết công khai phương án kiến trúc đạt giải qua thi tuyển, tại trụ sở UBND phường Điện Biên, để lấy ý kiến cộng đồng theo quy định.
Dự án 61 Trần Phú Hà Nội được kỳ vọng là một tài sản mang tính đột phá của Postef, khi nằm trên khu đất vàng gần quảng trường Ba Đình, rộng 9.078 m2. Dự án có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực, nằm ở trung tâm hành chính quận Ba Đình, cách không xa Lăng Bác và toà nhà Quốc hội.
Để thực hiện dự án, vào tháng 12/2011, POT đã cùng với liên danh CTCP Liên Việt Holdings – CTCP Him Lam ký hợp đồng hợp tác đầu tư.
Vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng và tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. Trong đó, Postef thực hiện góp vốn bằng lợi thế quyền sử dụng khu đất tương ứng là 530 tỷ đồng (chiếm 51% tổng giá trị vốn góp), bên liên danh góp vốn bằng tiền là 509,2 tỷ đồng (chiếm 49% tổng giá trị vốn góp).
Vào ngày 24/6/2017, UBND TP. Hà Nội có quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên khu đất 61 Trần Phú.
Sau đó đến năm 2018, Postef đã nộp 605 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2, đồng thời, thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án. Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này (50 năm) với mục đích sử dụng mới.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, POT cho biết đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để khởi công dự án. Vào tháng 3/2022, dự án đã được quây kín phục vụ cho việc phá dỡ và thi công.
Dù vậy, động thái này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, quan ngại rằng công trình thay thế gồm tổ hợp thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao 11 tầng có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của khu trung tâm quận Ba Đình.
Vào tháng 4/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú, đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này.
Kết quả kiểm tra cho thấy dự án được thực hiện theo đúng kế hoạch, kiến trúc được phê duyệt. TP Hà Nội sau đó đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh một số nội dung liên quan đến kiến trúc của dự án.
Vào tháng 5/2022, UBND TP Hà Nội đã có công văn thi tuyển phương án kiến trúc cho dự án 61 Trần Phú.
Dữ liệu của Mekong ASEAN cho thấy, vào tháng 6/2023, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư nói trên đã được nhóm Him Lam dùng làm tài sản đảm bảo tại một doanh nghiệp có trụ sở tại số 13 đường Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Nguồn : https://mekongasean.vn/doanh-nghiep/
- BSC đánh giá sự trở lại đầy ấn tượng của nhà đầu tư cá nhân
- Gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu phiên 27/10, NHNN trở lại trạng thái hút ròng thanh khoản
- Khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ trong tuần cuối tháng 7, giao dịch đột biến tại một cổ phiếu công nghệ
- Hà Nội: Chung cư mini một thời từng “hot” như thế nào?
- Cổ phiếu Tesla nâng bước chứng khoán Mỹ