Ngày 22/1, một trận động đất mạnh 7 độ richter được ghi nhận xảy ra dọc theo biên giới giữa khu vực Tân Cương của Trung Quốc và Kyrgyzstan, khiến chính quyền cảnh báo có thể xảy ra thiệt hại trên diện rộng.
Theo hãng tin AFP dẫn lời Cơ quan Quản lý Động Đất Trung Quốc, trận động đất xảy ra khoảng sau 2h sáng theo giờ địa phương với tâm chấn ở độ sâu 22km tại khu vực Wushi, Tân Cương. Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết tới khoảng 8h sáng cùng ngày, có khoảng 40 trận động đất nhỏ với cường độ lên tới 5,5 độ richter xảy ra trong khu vực này sau trận động đất lớn ban đầu.
Rung chấn mạnh đến mức truyền thông Trung Quốc đưa tin thành phố Aksu nằm cách khu vực bị ảnh hưởng khoảng 140km về phía Tây cũng như các khu vực Urumqi, Korla, Kashgar, Yining đều có thể cảm nhận được. Để đảm bảo an toàn, nhiều người dân tại Aksu đã đổ xô ra ngoài đường bất chấp nhiệt độ dao động quanh ngưỡng âm 10 độ C vào sáng sớm.
Các con số thống kê về thiệt hại vẫn chưa được các nhà chức trách Trung Quốc công bố một cách cụ thể. Tuy nhiên theo Tân Hoa Xã, 5 ngôi làng nằm cách tâm chấn 20km “có thể xảy ra thiệt hại lớn”. Tại khu vực nông thôn huyện Wushi – nơi nằm gần tâm chấn nhất – có 2 ngôi nhà và chuồng gia súc bị sập trong khi điện ở khu vực này tạm thời bị cắt. Có 27 chuyến tàu tại Tân Cương bị ảnh hưởng bởi trận động đất này.
Để chuẩn bị cho công tác cứu trợ thảm họa, chính quyền địa phương đã cử một đội tới khu vực tâm chấn của trận động đất trong khi điều động thêm khoảng 800 nhân viên cứu hộ. Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp của Trung Quốc cho biết một số cơ quan đã phối hợp các nỗ lực cứu trợ, cung cấp lều bông, áo khoác, mền, nệm, giường gấp và bếp sưởi cho người dân.
Ở một diễn biến khác, chính quyền Kyrgyzstan cũng đưa cảnh báo về trận động đất nhưng chưa xác nhận thương vong hay thiệt hại lớn nào. Theo AFP dẫn lời ông Boobek Ajikeev, người đứng đầu Bộ Tình huống Khẩn cấp Kyrgyzstan, “không có thương vong hoặc thiệt hại nào được ghi nhận tại thủ đô Bishkek”.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho người nhiều người hoảng sợ khi cảm nhận được các bức tường và đồ đạc rung lắc mạnh. Tại Bishkek và cả Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, người dân đổ ra ngoài đường ngay khi rung chấn xảy ra để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Trận động đất xảy ra khoảng 1 tháng sau trận động đất mạnh 6,2 độ richter ở tây bắc Trung Quốc quanh khu vực Cam Túc và Thanh Hải, khiến 149 người thiệt mạng, đánh dấu một trong những trận động đất nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hơn 200.000 ngôi nhà bị phá hủy, 15.000 ngôi nhà có nguy cơ bị sập và 145.000 người phải di dời tại Cam Túc – nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Các quan chức Trung Quốc nhận định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại tới từ việc việc tâm chấn nông trong khi chuyển động theo phương thẳng đứng gây ra rung chuyển dữ dội hơn và đá trầm tích tương đối mềm trong khu vực cũng làm tăng sức mạnh phá hủy của trận động đất.
Ngoài ra, kết cấu không vững chắc của các công trình cũng là một nguyên nhân. Tại khu vực bị động đất ảnh hưởng, nhiều ngôi nhà bị phá hủy được xây dựng lâu năm và làm bằng kết cấu gỗ đất hoặc gỗ gạch trong khi các bức tường chịu lực được xây dựng từ đất, từ đó khiến khả năng chống chịu rung lắc kém.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Đại hội thất bại: “Tại anh, tại ả”
- Cấp chứng nhận nhà đất: ‘Cần cho người dân biết chờ đến bao giờ’
- SMC thu về hơn 300 tỷ đồng sau khi bán toàn bộ hơn 13 triệu cổ phiếu NKG
- Nghi vấn “dự án ma” 5 ha tại Lâm Đồng
- Chuyên gia tiết lộ quận đông dân thứ 2 của Tp.HCM nhưng mặt bằng giá bất động sản còn thấp