(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường đã liên tiếp vượt qua các ngưỡng cao mới tương đối nhanh, thậm chí nhiều chỉ báo kỹ thuật đã bước vào vùng quá mua, nhưng tâm lý hưng phấn vẫn đang chiếm lĩnh thị trường và tiếp thêm đà tăng tốc là diễn biến ở những mã lớn mà hai phiên gần nhất đều là nhóm cổ phiếu nhà VinGroup.
Thị trường tăng điểm ngay từ sớm nhờ cổ phiếu VIC rực sáng và dù có chững lại quanh ngưỡng 1.125 điểm trong khoảng thời gian khá dài trong phiên.
Tuy nhiên, lực cầu giá cao tham gia khá mạnh mẽ vào cuối phiên, đặc biệt là diễn biến khởi sắc hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index tăng hơn hơn 15 điểm lên trên 1.220 điểm.
Đáng chú ý là thanh khoản, khi tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE vượt 24.100 tỷ đồng, đã xác lập con số kỷ lục mới trong 15 tháng.
Tính trong tháng 7/2023, VN-Index đã tăng 102,72 điểm từ 1.120,18 điểm, tương đương +9,17%.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 1/8, bảng điện tử dù phân hóa khá mạnh ngay từ sớm, nhưng dòng tiền vẫn đang chảy mạnh và tìm kiếm cơ hội ở nhiều nhóm cổ phiếu, trong khi cổ phiếu VIC chưa dừng lại, tiếp tục tăng kịch trần ngay từ sớm, cộng thêm một vài mã lớn như VHM và nhóm ngân hàng MBB, STB, CTG, BID hoạt động tốt đã giúp VN-Index tiến đến vùng 1.230 điểm.
Cổ phiếu VIC sau nhịp lấy đà mở cửa đã tăng trần lên 58.900 đồng, khớp hơn 11 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch và không ai muốn bán ra, lệnh dư mua bắt đầu tăng dần và đã đạt gần 2 triệu đơn vị.
Cổ phiếu liên quan là VHM tuy không còn sức bật cao như hôm qua, nhưng cũng đang nhích hơn 3% và tổng cộng cặp đôi này đóng góp hơn 6 điểm trong 9 điểm tích cực của VN-Index tại ngưỡng trên 1.230 điểm.
Thị trường vẫn phân hóa mạnh, lực cầu giá cao ít xuất hiện, nhưng lực cung giá thấp cũng không có nhiều. Trong khi đó, một số cổ phiếu lớn bật tăng đã đóng vai trò là nhân tố chính kéo chỉ số VN-Index tiến đến các mức cao mới.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 226 mã tăng và 215 mã giảm, VN-Index tăng 10,22 điểm (+0,84%), lên 1.233,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 554,9 triệu đơn vị, giá trị 11.702,2 tỷ đồng, giảm hơn 11% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,4 triệu đơn vị, giá trị 593 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất vẫn là VIC, khi đứng vững ở mức giá trần +6,9% lên 58.900 đồng, khớp lệnh hơn 11,1 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 2,66 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác cũng nới đà tăng, đóng góp thêm cho VN-Index như VHM +2,7% lên 64.700 đồng, SAB +1,7% lên 159.400 đồng.
Cùng với đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng với đầu tàu BID +4,7% lên 49.400 đồng, TPB +2,7% lên 19.250 đồng, CTG +2,3% lên 30.700 đồng, các mã VCB HDB, MBB, VIB, STB tăng từ 1% đến 1,7%. Trong đó, STB khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 27,2 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, các bluechip khác cũng đa số chỉ giảm nhẹ và ít tác động đến chỉ số, với BCM dù giảm sâu nhất nhóm VN30 cũng chỉ -2,7% xuống 78.800 đồng, NVL -2,1% xuống 18.450 đồng, PDR -1,8% xuống 21.300 đồng, trong khi SSI, VPB, VNM, MWG và HPG chỉ giảm nhẹ từ 0,5% đến 1,4%.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số ít cổ phiếu riêng lẻ có sức bật tốt đáng kể là MHC và TV2 khi đều tăng trần lên 6.780 đồng và 38.050 đồng.
Các cổ phiếu QCG +4,8% lên 10.850 đồng, DPG +4,5% lên 43.350 đồng, ELC +4,2% lên 17.250 đồng, MSB +3,3% lên 14.200 đồng, VCG +2,9% lên 26.500 đồng. Các mã FRT, DBC, BIC, TSC, DCM, SZC, VPG, DGC tăng từ 2% đến 2,5%.
Trái lại, phản ánh lực cung giá thấp được tiết giảm khá nhiều, khi chỉ số ít cổ phiếu giảm sâu, nhưng bù lại thanh khoản cũng chỉ ở mức thấp, như LGC -6,7%, TPC -6,3%, ST8 -5,4%, ADP -4,9%…
Trên sàn HNX, các cổ phiếu lớn hạ nhiệt nhẹ đã khiến HNX-Index thu hẹp đà tăng sau nhịp nảy khá tốt lúc mở cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,4%), lên 240,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,5 triệu đơn vị, giá trị 939,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,12 triệu đơn vị, giá trị 24,9 tỷ đồng.
Dòng tiền đầu cơ chảy mạnh, khi nhóm nhà APEC với IDJ, API và APS đều tăng kịch trần, khớp từ 2,2 triệu đến 2,56 triệu đơn vị, trong đó, IDJ dư mua trần hơn 2,4 triệu đơn vị, APS dư mua trần 1,05 triệu đơn vị, API dư mua trần 0,4 triệu đơn vị.
Cổ phiếu khác cũng đáng kể là DDG khi cũng tăng trần +9,8% lên 9.000 đồng, khớp lệnh đứng thứ ba trên sàn với gần 4,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,7 triệu đơn vị
Hai cổ phiếu thanh khoản tốt nhất là AMV và HUT cũng tăng khá, với AMV +3,9% lên 5.300 đồng, khớp 7,15 triệu đơn vị, HUT +3,8% lên 21.900 đồng, khớp 5,47 triệu đơn vị.
Các mã lớn như SHS, CEO, TAR, MBS đều giảm nhẹ, khớp từ 1,29 triệu đến hơn 4,08 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu nới đà đi lên cũng đã giúp UpCoM-Index tịnh tiến đến các mức cao hơn trong phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,93 điểm (+1,05%), lên 90,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,4 triệu đơn vị, giá trị 522,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,22 triệu đơn vị, giá trị 19,7 tỷ đồng.
Phần lớn các mã thanh khoản cao nhất UpCoM đều tăng, với BVB, KVC, VAB, ABB và BSR khớp từ 1 triệu đến 6,66 triệu đơn vị và đều nhích 3% đến gần 4%.
Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu lại chỉ về tham chiếu như VHG, PAS, LMH, OIL, DDV, SBS, C4G, khớp từ 0,53 triệu đến 2,48 triệu đơn vị.
Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/
- Căn hộ hạng A tạo “cú hích” cho thị trường Đà Nẵng
- Ngân hàng sẽ là đối tác thúc đẩy ngành quỹ tăng trưởng
- Cao su Phước Hòa (PHR) báo lãi quý 2 cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước
- Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 18/1: Thận trọng trong phiên đáo hạn phái sinh
- Động lực lớn từ HPG giúp thị trường thêm một phiên tăng tốt, VN-Index tiến sát mốc 1.240 điểm