Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/4: Lực cầu bắt đáy STB chảy mạnh

giao dich chung khoan phien sang 2 4 luc cau bat day stb chay manh 660beff2e0819

(ĐTCK) Sức ép từ các trụ cột, đặc biệt là nhóm ngân hàng với cái tên STB bị bán tháo, nhưng nhanh chóng lực cầu bắt đáy chảy mạnh đã hãm đà rơi của STB nói riêng và thị trường nói chung.

Trong phiên hôm qua, gánh nặng của nhóm bluechip từ sớm đã khiến VN-Index giảm khá mạnh và có thời điểm về dưới mốc 1.275 điểm.

Những nỗ lực trong phiên chiều đã kéo chỉ số hồi phục và có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu, nhưng kết quả không thành công do áp lực bán thường trực khiến chỉ số đảo chiều suy yếu.

Mặc dù vậy, VN-Index chỉ giảm nhẹ 2,5 điểm và ngưỡng hỗ trợ MA5, tương ứng vùng 1.280-1.282 điểm, chưa bị vi phạm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 2/4, lực bán mạnh xuất hiện từ sớm trên diện rộng khiến VN-Index có nhịp lao dốc mạnh và chỉ khi chạm gần hỗ trợ 1.270 điểm mới bật trở lại.

Nhưng sức cầu hạn chế, trong khi sắc đỏ tiếp tục lan rộng trên bảng điện tử, mặc dù chưa xuất hiện lực cung giá thấp ồ ạt, nên VN-Index chỉ chạm gần 1.275 điểm và giằng co ở vùng giá thấp sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhóm trụ cột VN30 với trọng điểm là các cổ phiếu ngân hàng đều giảm, dù mức giảm đa số chỉ trên dưới 1%, ngoại từ STB bất ngờ lao dốc và mất khoảng 5%, thanh khoản cũng đột ngột tăng vọt và có dấu hiệu bị nhà đầu tư bán tháo với gần 60 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa phần còn lại trên toàn thị trường.

STB bị bán mạnh có thể do thông tin trên Facebook mang tên “THANG DANG” về việc ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank bị cấm xuất cảnh từ ngày 1/4/2024 vì tham gia rửa tiền cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát và một số thông tin khác.

Tuy nhiên, sau đó phía Sacombank đã có công văn gửi các cơ quan chức năng phản bác thông tin này và cho rằng, đây hoàn toàn là bịa đặt, vu khống để bôi xấu lãnh đạo Sacombank và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Về diễn biến thị trường, lực cầu bắt đáy STB nhập cuộc mạnh đã hãm đà giảm của mã này với thanh khoản vượt trội.

Chốt phiên, cổ phiếu STB thu hẹp đáng kể đà giảm, từ mức giảm hơn 5% chỉ -2,4% xuống 30.650 đồng khi kết phiên, thanh khoản gần 84 triệu đơn vị. Đây cũng là mã thanh khoản cao nhất thị trường.

Lực cầu bắt đáy STB cũng giúp thị trường bình tĩnh hơn và VN-Index cũng bật trở lại, hãm bớt đà giảm khi chốt phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 99 mã tăng và 372 mã giảm, VN-Index giảm 5,76 điểm (-0,45%), xuống 1.275,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 645,6 triệu đơn vị, giá trị 15.975,1 tỷ đồng, tăng 33% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26 triệu đơn vị, giá trị 953 tỷ đồng.

Ngoài STB, nhóm bluechip ngoài GVR nhích 2,3% lên 33.700 đồng, các mã VNM, POW, MSN tăng nhẹ, cùng với đó BID, TCB, VJC đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm.

Những cổ phiếu khác đều chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%, nhưng nhóm ngân hàng vẫn chiếm đa số ở những mã giảm mạnh nhất, với VPB -1,8%, HDB -1,7%, VIB -1,7%, TPB -1,3%, SHB -1,3%…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền thận trọng cao đã khiến các mã tăng đa phần chỉ tăng nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên ở các nhóm bất động sản, năng lượng, điện, xây dựng như VRC +5,8% lên 12.800 đồng, GEG +3,8% lên 13.750 đồng, TV2 +3,5% lên 44.900 đồng, CNG +3,4% lên 36.200 đồng, NTL +3,2% lên 41.700 đồng, CTR +3,2% lên 138.800 đồng, BMP +2,8% lên 115.300 đồng, BCG +2,7% lên 9.100 đồng…

Ở chiều ngược lại, dù có gần 400 mã giảm, nhưng nhà đầu tư đã hãm bớt lực cung và đa phần chỉ mất điểm nhẹ, nhưng lác đác những cổ phiếu giảm đáng kể là hai mã nhỏ AGM và SVD khi đều lùi về giá sàn tại 5.820 đồng và 3.040 đồng, khớp lần lượt 0,46 triệu và 0,21 triệu đơn vị. Đáng kể khác là TTF -5% xuống 4.190 đồng, khớp 5,64 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu giằng co ở vùng giá thấp cũng đã khiến HNX-Index sớm giảm điểm và rung lắc dưới tham chiếu trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 37 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,22%), xuống 242,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58 triệu đơn vị, giá trị 1.202,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,25 triệu đơn vị, giá trị 3,5 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh và gần như ít thay đổi về giá, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu thanh khoản, với những cái tên lớn, nhỏ quen thuộc như SHS, PVS, HUT, IDJ, TNG, MST, GKM, LIG, VFS, S99 đứng giá tham chiếu.

Trong khi đó, CEO, IDC, VGS tăng nhẹ, AMV +2,7% lên 3.900 đồng. Còn lại, MBS, MBG, TIG, PVC, NDN, TVC, giảm 1-3%.

Thanh khoản phiên này CEO vươn lên dẫn đầu khi có hơn 12,8 triệu đơn vị, ngay phía sau là SHS với 11,91 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng mất điểm từ sớm và tạm kết phiên ở mức đáy tạo ra.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,49%), xuống 90,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,7 triệu đơn vị, giá trị 243,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,95 triệu đơn vị, giá trị 25 tỷ đồng.

Những mã nhỏ được nhà đầu tư chú ý, với DTI +8,1% lên 4.000 đồng, DGT +5,5% lên 5.800 đồng, AFX +3,4% lên 9.000 đồng. Các mã khác như VGI +6,3% lên 47.200 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 1,84 triệu đơn vị.

Ngược lại, cổ phiếu AAH lao dốc về mức giá sàn -14,1% xuống 8.500 đồng, khớp lệnh hơn 1,72 triệu đơn vị.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/