Giao dịch chứng khoán sáng 29/1: Dòng tiền sôi động hơn, VN-Index vẫn chưa thể qua mốc 1.180 điểm

giao dich chung khoan sang 29 1 dong tien soi dong hon vn index van chua the qua moc 1 180 diem 65b7ac1595210

(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và dòng bank nói riêng đang giao dịch phân hóa thì dòng tiền sôi động đã tiếp sức cho nhiều mã vừa và nhỏ nổi sóng.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khá trầm lắng và chỉ số VN-Index cũng chỉ ghi nhận mức biến động hẹp khi chỉ giảm 0,5%. Đây là diễn biến thông thường trong những phiên giao dịch sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ giằng co tích lũy theo hướng tăng dần đi kèm với thanh khoản thấp và sự phân hóa rõ nét sẽ chiếm ưu thế trong tuần này.

Bên cạnh đó, về yếu tố kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở quanh mốc 0,789 của thang đo Fibonacci mở rộng, và RSI hướng lên ở vùng cao, cho tín hiệu thị trường có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các phiên hồi phục và xác suất cao sẽ kiểm tra lại khu vực đỉnh quanh 1.190 điểm.

Thêm vào đó, đường Tenkan của mây Ichimoku đang có xu hướng tiệm cận đường Kijun từ dưới lên, đường DI+ ở quanh mốc 28 cho tín hiệu thị trường nhìn về trung-dài hạn vẫn đang ở nhịp tăng điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 29/1, mặc dù nhóm cổ phiếu vua nhanh chóng chuyển qua trạng thái phân hóa sau nhịp hồi phục tích cực vào cuối tuần trước ngày 26/1, nhưng diễn biến khởi sắc của hầu hết các nhóm ngành, đã giúp chỉ số VN-Index duy trì đà tăng nhẹ.

Thiếu sự hỗ trợ của dòng bank cũng như nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường khó bứt phá và VN-Index chưa thể lấy lại được mốc 1.180 điểm. Tuy nhiên, điểm tích cực của thị trường chính là thanh khoản đang sôi động hơn với tâm điểm hướng đến top cổ phiếu vừa và nhỏ khi một lượng nhà đầu tư đang cố gắng nhặt tìm cơ hội cho mùa cuối năm.

Sau khoảng 90 phút giao dịch, VN-Index vẫn lình xình dưới vùng giá 1.180 điểm khi nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, nhóm cổ phiếu thép là một trong số ít nhóm ngành đang chịu áp lực điều chỉnh giảm.

Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón với DGC tăng trên dưới 2%, DCM tăng 4,4%, DPM tăng 3,2%, BFC tăng 2,4%…, hay trên sàn HNX có LAS tăng 3%, DDV tăng 3,8%…

Xét về vốn hóa, dòng tiền đang hỗ trợ khá tốt giúp nhiều mã vừa và nhỏ dậy sóng. Điển hình là HHS sớm tìm được sắc tím và hiện đang đứng tại mức giá trần 7.690 đồng/CP với thanh khoản thuộc top sôi động của thị trường, đạt hơn 6 triệu đơn vị và dư mua trần gần 2 triệu đơn vị. Cổ phiếu TCH cũng ghi nhận mức tăng trên dưới 4% với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường.

Bên cạnh đó, “tân binh” QNP chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong phiên sáng nay, QNP tiếp tục tăng 6,9% lên mức giá trần 36.550 đồng/CP. Như vậy, kể từ ngày chào sàn là 18/1 đến nay, với 7 phiên tăng trần, giá cổ phiếu QNP đã tăng gấp đôi so với giá chào sàn.

Ngay khi thử thách lại mốc 1.180 điểm, áp lực bán đã gia tăng khiến thị trường dần chuyển qua trạng thái phân hóa và chỉ số VN-Index vẫn tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 203 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,26%), lên 1.178,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 336,5 triệu đơn vị, giá trị 7.148,5 tỷ đồng, tăng 32,22% về khối lượng và 27,27% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 26/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54 triệu đơn vị, giá trị 1.309,36 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn có tới 18 mã tăng và chỉ 9 mã giảm, nhưng hầu hết các mã giảm đều thuộc vốn hóa lớn như VCB, HPG, MSN, FPT, VIC, khiến chỉ số nhóm này chốt phiên gần như không biến động chỉ tăng 0,02%.

Trong khi ở top cổ phiếu tăng, GVR vẫn ấn tượng khi chốt phiên tăng 4,9% và thanh khoản lên tới hơn 5,3 triệu đơn vị, còn lại các cổ phiếu giữ sắc xanh khác chỉ tăng trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HHS và TCH vẫn giữ sức nóng. Trong khi HHS dư mua trần gần 2,3 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 7% lên mức 7.690 đồng/CP, thì TCH tăng 3,5% lên 13.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB về thanh khoản.

Xét về nhóm ngành, chỉ còn 4 nhóm điều chỉnh nhẹ, trong đó vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất khi để mất 0,5%, với tác nhân chính là các cổ phiếu thép như HPG giảm 0,5%, HSG giảm 1,5%, NKG giảm 0,8%.

Ở chiều ngược lại, các nhóm cũng chủ yếu chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%, ngoại trừ điểm sáng duy nhất là nhóm sản xuất nhựa – hóa chất tăng vượt trội 3,3%, với LIX tăng kịch trần, PHR tăng 2,3%, GVR tăng 4,9%, DPR tăng 3,5%, CSV tăng 2,8%, DCM tăng 4,4%, DPM tăng hơn 3%, DGC tăng 1,7%, LAS tăng 2,4%, PBP tăng 3,42%…

Nhóm trụ cột ngân hàng và chứng khoán chỉ chớm xanh. Trong đó, SHB chốt phiên tăng 0,4% và khớp lệnh dẫn đầu thị trường với 11,64 triệu đơn vị, MBB tăng 1,6% và khớp hơn 9 triệu đơn vị; trong khi mã chứng khoán sôi động nhất là VIX khớp 7,56 triệu đơn vị và chốt phiên đứng giá tham chiếu.

Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ độ cao về cuối phiên.

Tạm dừng phiên sáng nay, sàn HNX có 87 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,11%), lên 229,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 30,2 triệu đơn vị, giá trị 508,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,17 triệu đơn vị, giá trị 1,88 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng chỉ còn tăng gần 1 điểm, dù số mã xanh chiếm áp đảo với 15 mã, gấp gần 4 lần số mã giảm (4 mã). Trong đó, DTD tăng tốt nhất là 4%, tiếp theo là LAS tăng 2,4%, còn lại chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%; ngược lại chỉ có 3 mã giảm là HLD giảm 2,4% cùng DVM và CAP giảm trên dưới 0,5%.

Cổ phiếu SHS vẫn có giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 4,1 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chốt phiên đứng giá tham chiếu. Các mã chứng khoán khác như MBS, APS, EVS, PSI cũng đứng giá tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TTH có thời điểm chạm trần và chốt phiên sáng nay tăng 6,5% lên mức 4.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường, đạt gần 1,8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến thị trường chuyển qua trạng thái rung lắc và điều chỉnh giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,18%), xuống 87,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 14,69 triệu đơn vị, giá trị 251,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Cổ phiếu nhóm phân bón DDV cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi chốt phiên tăng 2,9% với khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, mã dầu khí BSR vẫn nhúc nhắc tăng. Chốt phiên, BSR tăng 0,5% lên 19.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 2,32 triệu đơn vị.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/