Ngày 1/8, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố các hình ảnh đầu tiên được kính viễn vọng không gian Euclid gửi về, đánh dấu sự bắt đầu của sứ mệnh khám phá một trong số những bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ của thiết bị này.
Tên của kính viễn vọng không gian này nhằm vinh danh Euclid of Alexandria, nhà toán học Hy Lạp sống vào khoảng năm 300 TCN và được coi là cha đẻ của hình học. Bắt đầu từ khi được phóng vào vũ trụ ngày 1/7, kính viễn vọng Euclid của ESA đã trải qua một tháng để di chuyển tới điểm quỹ đạo của nó cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km. Điểm này được gọi là điểm Lagrange L2, đồng thời cũng là nơi đang đặt Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA.
Nhận định về những hình ảnh thử nghiệm đầu tiên được Euclid gửi về, CNN trích dẫn ông William Gillard, nhà khoa học cho dự án Euclid, chia sẻ: “Mỗi hình ảnh mới mà chúng tôi phát hiện ra đều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Và tôi phải thừa nhận tôi rất thích quan sát những biểu hiện kinh ngạc của những người khác khi họ xem những dữ liệu này”.
Các chi tiết trong các bức ảnh cho thấy kính viễn vọng Euclid đang hoạt động rất tốt và thậm chí còn có thể vượt quá mong đợi của các nhà khoa học. Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacherm chia sẻ rằng ông cảm thấy phấn khích khi chứng kiến sứ mệnh khoa học mới nhất của ESA đang hoạt động tốt, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng Euclid sẽ thành công trong sứ mệnh tiết lộ những bí ẩn về 95% vũ trụ mà loài người chưa đạt được nhiều hiểu biết.
Ông Giuseppe Racca, giám đốc dự án Euclid tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, cũng có thái độ tương tự khi cho biết: “Sau hơn 11 năm thiết kế và phát triển Euclid, tôi rất phấn khích và vô cùng xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên này”. Ông khẳng định những hình ảnh về các thiên hà này còn khó tin hơn trong bối cảnh Euclid chỉ đang thực hiện hiệu chỉnh hệ thống tối thiểu. Một khi được hiệu chỉnh đầy đủ, kính viễn vọng không gian Euclid sẽ “quan sát được hàng tỷ thiên hà để tạo ra bản đồ vũ trụ 3D lớn nhất từ trước đến nay”.
Trong 2 tháng tới, Euclid sẽ thử nghiệm và hiệu chỉnh các thiết bị của mình bao gồm máy ảnh ánh sáng khả kiến (VIS) và máy ảnh/máy quang phổ cận hồng ngoại (NISP) trước khi chính thức tiến hành khảo sát vũ trụ trong 6 năm sau đó.
Hình ảnh thử nghiệm của các thiên hà xoắn ốc và elip, các cụm sao và cả các ngôi sao được chụp bởi thiết bị VIS của kính viễn vọng không gian Euclid. Ảnh: ESA |
VIS sẽ chụp lại hình ảnh của hàng tỷ thiên hà với góc chụp rộng hơn 100 lần so với kính viễn vọng James Webb trong khi chất lượng hình ảnh của Euclid cũng sẽ sắc nét hơn ít nhất 4 lần so với chất lượng hình ảnh của các kính viễn vọng trên mặt đất. Về phía NISP, thiết bị này sẽ ghi lại hình ảnh của các thiên hà thông qua ánh sáng hồng ngoại và các phép đo lập bản đồ khoảng cách của từng thiên hà.
Euclid dự kiến sẽ đóng vai trò lớn trong việc giúp các nhà khoa học giải mã những bí ẩn của vũ trụ như vật chất tối và năng lượng tối cũng như tạo ra bản đồ 3D lớn nhất và chính xác nhất của vũ trụ. Nó sẽ có sứ mệnh quan sát hàng tỷ thiên hà trải dài 10 tỷ năm ánh sáng để tiết lộ vật chất đã bị năng lượng tối ảnh hưởng như thế nào theo thời gian. Những quan sát này sẽ cho phép Euclid thấy được quá trình vũ trụ phát triển trong 10 tỷ năm qua.
Ngoài ra khi Euclid thực hiện các quan sát của mình, kính viễn vọng sẽ tạo ra một danh mục gồm khoảng 1,5 tỷ thiên hà và các ngôi sao bên trong chúng. Nó sẽ thu thập một kho dữ liệu quý giá cho các nhà thiên văn học bao gồm hình dạng, khối lượng và số lượng các ngôi sao được tạo ra mỗi năm của mỗi thiên hà. Khả năng quan sát trong ánh sáng cận hồng ngoại của Euclid cũng có thể tiết lộ những vật thể chưa từng thấy trước đây trong Dải Ngân Hà, chẳng hạn như sao lùn nâu và những ngôi sao cực lạnh.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Lượng tiền mặt trong lưu thông giảm mạnh
- Chân dung quyền tổng giám đốc mới của PGBank
- Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 27/7: Hiện thực hóa lợi nhuận một phần
- U30 độc thân, độc lập tài chính: Thẳng tay chọn nghỉ việc vì “không hợp sếp”, sẵn sàng chi 10 triệu cho 1 đêm “đu idol”
- Nhiều “biến số” với chứng khoán toàn cầu