Theo thống kê của Mekong ASEAN, có 11 doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn (gọi chung là tiền mặt) trên 20.000 tỷ đồng. Lượng tiền gửi lớn đã mang lại cho các công ty khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng năm 2023.
Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, mặt bằng lãi suất tiền gửi cao hồi đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy gia tăng lượng tiền gửi để thu lãi. Tại thời điểm cuối năm 2023, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) có 5.365 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 18.937 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Tổng cộng, “của để dành” của công ty này là 24.302 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với đầu năm.
MWG gia tăng nắm giữ tiền mặt trong bối cảnh hai chuỗi bán lẻ Thế giới di động, Điện máy xanh gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu và cạnh tranh gay gắt. Nhờ chiến lược này mà doanh thu tài chính cả năm 2023 của công ty lên tới 2.166 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2022. Trừ đi chi phí tài chính 1.556 tỷ đồng, MWG có lãi thuần hơn 600 tỷ đồng từ mảng này. Đây cũng chính là phần cáng đáng lợi nhuận giúp doanh nghiệp thoát lỗ.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS) là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán tính đến ngày 31/12/2023, đạt 40.752 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD). Con số này tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm và tiếp tục tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi cuối quý 3/2023. Với số lượng “tiền tươi” khủng như vậy, trong năm qua, PV Gas đã mang về 2.026 tỷ đồng lãi từ tiền gửi, tăng 67% so với năm trước; tương ứng mỗi ngày công ty bỏ túi đến 5,5 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng. Trong khi đó, chi phí lãi vay cả năm chỉ chiếm 340 tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng ghi nhận doanh thu tài chính tăng vọt 52% so với cùng kỳ, lên mức 2.659 tỷ đồng; chủ yếu nhờ lãi tiền gửi gần 1.600 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỷ giá hơn 1.050 tỷ đồng. Đây là kết quả khi công ty sở hữu lượng tiền mặt lên đến 38.122 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm, tăng khoảng 13.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Sau khi thoái vốn khỏi PGBank, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) ghi nhận lượng tiền mặt tăng mạnh 60% so với đầu năm, lên gần 30.000 tỷ đồng. Công ty thu về 2.740 tỷ đồng doanh thu tài chính trong năm 2023, tăng 27% so với cùng kỳ; trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay là 1.173 tỷ đồng, tăng 35%. Ngược lại, chi phí lãi vay cũng tăng mạnh 40% so với cùng kỳ, lên mức hơn 900 tỷ đồng.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ACV) ghi nhận lượng tiền mặt gần 28.800 tỷ đồng, giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty thu về hơn 1.600 tỷ đồng lãi tiền gửi trong cả năm 2023, tương đương với năm 2022. Ngược lại, chi phí lãi vay chỉ gần 67 tỷ đồng do ACV vay nợ ngắn hạn ít (410 tỷ đồng). Nợ dài hạn là hơn 10.000 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn vốn ODA với lãi suất thấp.
ACV “sống khỏe” qua những năm Covid-19 nhờ lượng tiền mặt dồi dào. |
Tập đoàn FPT (mã FPT) ghi nhận số dư tiền mặt ở thời điểm cuối năm 2023 là 24.383 tỷ đồng, tăng gần 4.900 tỷ đồng trong một năm. Lãi tiền gửi ghi nhận trong năm 2023 hơn 1.648 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Chi phí lãi vay ở mức 832 tỷ đồng.
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) có hơn 23.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi. Công ty thu về hơn 1.500 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023, tăng 28% so với năm 2022. Trong khi chi phí lãi vay chỉ chiếm 354 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI) cũng có hơn 23.000 tỷ đồng tiền mặt, tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty thu về hơn 1.200 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023, tăng 38% so với cùng kỳ. Ngược lại, lãi tiền vay chỉ ở mức 375 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) ghi nhận 22.800 tỷ đồng tiền mặt, giảm 3% so với đầu năm. Khoản tiền gửi lớn giúp Sabeco thu về gần 1.400 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023, tăng gần 36% so với năm 2022. Chi phí lãi vay chỉ chiếm 50 tỷ đồng do tổng vay nợ chỉ 700 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) và Tập đoàn Vingroup (mã VIC) đều ghi nhận lượng tiền mặt hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hai doanh nghiệp vay nợ lớn nên lãi tiền gửi không đủ bù đắp chi phí lãi vay. Thời điểm cuối năm 2023, HPG có hơn 34.400 tỷ đồng tiền mặt, góp phần giúp doanh thu tài chính đạt mức 3.173 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lớn hơn rất nhiều, ở mức gần 5.200 tỷ đồng; riêng lãi vay chiếm gần 3.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động.
Nợ vay “khổng lồ” chính là nguyên nhân khiến Hòa Phát phải “gánh” trung bình 10 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày. Số dư nợ vay tài chính của công ty lên đến gần 65.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023, chiếm gần 35% tổng tài sản. Con số này tăng hơn 7.500 tỷ đồng so với đầu năm và là mức cao nhất trong vòng 5 quý.
VIC sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi trị giá hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh thu tài chính đạt gần 21.200 tỷ đồng (chủ yếu là lãi từ các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con), giảm 36% so với năm 2022. Chi phí tài chính hơn 22.500 tỷ đồng, tăng 57%; trong đó riêng chi phí lãi vay và phát hành trái phiếu là hơn 17.400 tỷ đồng, tăng gần 605. Tại thời điểm cuối năm 2023, Vingroup ghi nhận số nợ vay tài chính 213.312 tỷ đồng.
Nguồn : https://mekongasean.vn/doanh-nghiep/
- Họp khẩn Bộ Xây dựng, Bộ Công an vụ cháy chung cư mini kinh hoàng
- Công ty bất động sản vẽ dự án ‘ma’ lừa đảo khách hàng
- Tổng thống Mỹ ‘nóng lòng mong chờ’ Thụy Điển gia nhập NATO
- Doanh thu và lợi nhuận của Cienco 4 trong quý 2 đều giảm
- Hết thời tăng giá bằng lần, đất quê “quay xe” giảm giá một nửa: “Người Hà Nội không về mua nữa biết bán cho ai?”