Lọc rủi ro bằng lá phiếu chọn kiểm toán

loc rui ro bang la phieu chon kiem toan 6606a9fc22d4c

(ĐTCK) Kiểm toán độc lập đóng vai trò thẩm định và xác nhận/hoặc từ chối xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính doanh nghiệp. Đáng tiếc là, việc lựa chọn “bộ lọc” rủi ro này chưa được cổ đông, nhà đầu tư của nhiều doanh nghiệp dành sự quan tâm thích đáng.

Trong các vụ đại án trên thị trường chứng khoán đang và sắp đưa ra xét xử, có một số bị can là kiểm toán viên độc lập. Đáng nói, có một cái tên xuất hiện nhiều lần: Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội), bị quy vào tội danh liên quan đến việc tiếp tay cho lãnh đạo doanh nghiệp sai phạm, bằng việc chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính không đủ tiêu chuẩn.

Nhiệm vụ của hoạt động kiểm toán độc lập, như quy định tại Luật Kiểm toán độc lập, là “nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán và doanh nghiệp, tổ chức khác; làm lành mạnh môi trường đầu tư; phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Nói một cách đơn giản hơn, kiểm toán độc lập đóng vai trò thẩm định và xác nhận/hoặc từ chối xác nhận về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, cũng như đưa ra những ý kiến lưu ý về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy, báo cáo tài chính được kiểm toán (bởi kiểm toán viên, công ty kiểm toán được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cung cấp dịch vụ) là căn cứ quan trọng cho quyết định của nhà đầu tư, đối tác và các bên liên quan. Một báo cáo tài chính được chấp nhận toàn phần là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng, gọi vốn trên sàn và các công ty đại chúng để bảo vệ các nhà đầu tư, nhà tài trợ vốn.

Đóng vai trò như một “bộ lọc” rủi ro cho nhà đầu tư và các bên liên quan, nên nếu “bộ lọc” đó không đảm chất lượng thì rủi ro/thiệt hại với người sử dụng kiểm toán là không nhỏ. Tới đây, cơ quan quản lý có thể phải rà soát lại hành lang pháp lý liên quan đến kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, nhưng cổ đông, nhà đầu tư cũng cần ý thức hơn về quyền chọn “bộ lọc” rủi ro cho mình.

Theo quy định về quản trị công ty, một trong những nội dung phải xin ý kiến đại hội đồng cổ đông là danh sách công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán/soát xét báo cáo tài chính trong năm. Đáng tiếc là, hầu như cổ đông không chú ý đến nội dung này, mà sẽ dễ dàng thông qua tờ trình của hội đồng quản trị. Thậm chí, tiêu chí chọn công ty kiểm toán ở nhiều doanh nghiệp dựa trên mức phí… rẻ hơn!

Vậy, làm sao để cổ đông, nhà đầu tư có thể chọn được “bộ lọc” rủi ro đảm bảo? Tất nhiên, điều này không dễ, nhưng vẫn có thể tránh được việc trao gửi niềm tin vào những doanh nghiệp kiểm toán có nhiều “tì vết”.

Thực tế, nếu đủ quan tâm tới báo cáo kiểm toán, nhà đầu tư không khó để nhận thấy những công ty kiểm toán như CPA Hà Nội gắn với nhiều vụ bê bối về chất lượng dịch vụ. Cụ thể, ngày 27/12/2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã đình chỉ tư cách được chấp thuận của CPA Hà Nội trong năm 2011, do công ty này đã sai phạm trong kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2008, 9 tháng đầu năm 2009 của CTCP Xuất nhập khẩu khoáng sản Hà Nam (mã KSH) và báo cáo tài chính năm 2009 của CTCP Biển Bắc. Ba kiểm toán viên của CPA Hà Nội đã bị đình chỉ cung cấp dịch vụ trong năm đó.

Năm 2017, công ty này tiếp tục nhận “án” đình chỉ cung cấp dịch vụ. Đáng nói hơn, trong hai kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề, có Tổng giám đốc Công ty (Nguyễn Ngọc Tỉnh). Đến giữa năm 2022, UBCK lại ra quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán viên đối với hai nhân sự của CPA Hà Nội (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022), sau khi cơ quan này phát hiện báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ năm 2021 của CTCP Tổng Bách Hóa không đạt yêu cầu về chất lượng (phía kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ thủ tục và chưa thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần).

Những thông tin về việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên bị đình chỉ cung cấp dịch vụ được công khai trên trang thông tin điện tử của UBCK và các phương tiện thông tin đại chúng.

Thận trọng với doanh nghiệp, dự án mà báo cáo tài chính được xác nhận bởi một bên kém uy tín, hay dùng lá phiếu để lựa chọn đơn vị kiểm toán đủ uy tín kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp mình góp vốn cũng là cách tự bảo vệ mình của nhà đầu tư.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/