Masan muốn chào bán 143 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với giá 85.000 đồng/cp. Một quỹ ngoại quy mô 180 tỷ USD đã đăng ký mua 60 triệu cổ phiếu.
Ngày 2/10, Tập đoàn Masan công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phương án chào bán riêng lẻ cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi với tổng khối lượng tối đa 143 triệu đơn vị, tương đương 10% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần là 10%/năm.
Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có).
Hết thời hạn 10 năm, toàn bộ cổ phần ưu đãi chưa được chuyển đổi sẽ được chuyển đổi bắt buộc theo quyết định của HĐQT.
Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm với nhà đầu tư chiến lược, 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời điểm chào bán trong năm 2023 hoặc cho đến trước ĐHCĐ thường niên 2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Với giá chào bán 85.000 đồng, nếu hoàn tất phân phối cả 143 triệu cổ phiếu, Masan Group sẽ thu về khoảng 12.155 tỷ đồng. Số tiền dự kiến dùng cho các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty, đầu tư góp vốn vào các công ty con, nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động…
Theo công bố của Masan, nhà đầu tư BCC Meerkat LLC (quỹ thuộc Bain Capital) đã đăng ký mua 60 triệu cổ phiếu; tương ứng giá trị giao dịch 5.100 tỷ đồng. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của tổ chức này tại Masan Group sẽ là 4,02% vốn điều lệ.
Cũng trong ngày 2/10, Masan Group phát đi thông cáo báo chí về thương vụ đầu tư vốn cổ phần lên đến 500 triệu USD được dẫn đầu bởi Bain Capital.
Theo giới thiệu của Masan, Bain Capital là quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Quỹ này đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng. Giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức với các điều khoản như trên.
Với các nhà đầu tư khác đang mong muốn đàm phán với Masan, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của công ty cũng như điều kiện thị trường, công ty có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Masan kỳ vọng giao dịch sẽ hoàn tất trong năm 2023, số tiền thu được dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của công ty. Đồng thời, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA bền vững dưới mức 3,5x một cách ổn định lâu dài.
Nguồn : https://mekongasean.vn/doanh-nghiep/
- Quốc hội Thái Lan tước tư cách ứng viên thủ tướng của ông Pita
- Israel bác kêu gọi ngừng tấn công Rafah của Tổng thống Biden
- ‘Bắt sóng’ cực nhanh với ‘khách sộp’ Trung Quốc, một quốc gia châu Á chơi lớn mở 67 dự án dầu và khí đốt mới – kỳ vọng bơm 3,5 triệu thùng/ngày để thu hồi vốn
- Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 20/3: Tiếp tục giao dịch tích lũy sideway
- Mua nhà bây giờ hay đợi thêm?