Mỹ và Anh đã đưa một số quan chức quân sự Iran và một số công ty trong ngành công nghiệp thép, ô tô và máy bay không người lái của nước này vào danh sách đen, nhằm phản ứng trước cuộc không kích của Tehran vào Nhà nước Do Thái hôm 13/4.
Theo AP, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài Chính Mỹ đã nhắm mục tiêu vào 16 cá nhân và 2 tổ chức Iran sản xuất động cơ cung cấp năng lượng cho UAV Shahed được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 13/4.
OFAC cũng trừng phạt 5 công ty liên quan đến sản xuất thép và 3 công ty con của Tập đoàn ô tô Bahman – bên bị cáo buộc hỗ trợ vật chất cho quân đội Iran và các nhóm bị trừng phạt khác.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ “tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy thoái hơn nữa ngành công nghiệp quân sự của Iran”.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đang áp đặt các biện pháp kiểm soát mới nhằm hạn chế Iran tiếp cận các thiết bị vi điện tử cấp thương mại, áp dụng cho các mặt hàng được sản xuất bên ngoài Mỹ được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cùng ngày cho biết Washington đã tái áp đặt các hạn chế đi lại đối với phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc, ngăn họ đi ra ngoài bán kính hai dãy nhà của trụ sở Liên Hợp Quốc.
Cũng trong ngày 18/4, tại cuộc họp các Ngoại trưởng G7 ở Capri, Italy, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã thông báo về lệnh trừng phạt của Anh đối với Iran.
“Các biện pháp trừng phạt được chúng tôi công bố, cùng với Mỹ, nhằm thể hiện sự lên án rõ ràng của chúng tôi đối với các cuộc tấn công của Iran vào một quốc gia có chủ quyền,” ông Cameron nói, theo RT.
Các biện pháp trừng phạt của Anh liên quan đến 7 cá nhân và 6 thực thể bị cáo buộc tạo điều kiện cho Iran tiến hành “hoạt động gây bất ổn trong khu vực, bao gồm cả cuộc tấn công trực tiếp vào Israel”. Trước đây, London đã áp đặt hơn 400 lệnh trừng phạt đối với Tehran, bao gồm cả việc chỉ định toàn bộ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Trước đó, ông Josep Borrell – Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), hôm 16/4 cho biết một số thành viên EU đã đề xuất mở rộng lệnh trừng phạt Iran, thông qua việc nhắm vào ngành sản xuất UAV. Đức, Pháp và một số quốc gia thành viên đã công khai ủng hộ đề xuất này.
Bên cạnh đó, ông Borrell nói rằng một số thành viên EU cũng nêu ra khả năng trừng phạt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ông nhấn mạnh quan điểm của EU rằng IRGC có thể bị coi là tổ chức khủng bố nếu cơ quan có thẩm quyền của EU phát hiện rằng lực lượng này đã tham gia vào hoạt động khủng bố.
Iran chưa đưa ra bình luận về các tuyên bố từ Mỹ và Anh.
Theo RT, Iran vốn là đối tượng của nhiều lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều thập kỷ vì chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Các lệnh trừng phạt đã được nới lỏng phần nào vào năm 2015 khi Tehran đồng ý một số hạn chế đối với chương trình theo Thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), giữa Iran, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và EU.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào năm 2018 sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các lệnh trừng phạt đã chấm dứt đối với Tehran. Một số nỗ lực trong những năm gần đây nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran đã thất bại.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/