Nga cáo buộc Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

nga cao buoc ukraine tan cong nha may dien hat nhan zaporizhzhia 6613727eac566

Tập đoàn năng lượng Nga Rosatom cáo buộc quân đội Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia – cơ sở mà Moscow đã nắm quyền kiểm soát kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Reuters đưa tin, trong tuyên bố ngày 7/4, Rosatom cho biết Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào khu vực gần căng tin của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, khiến 3 nhân viên bị thương. Tuy nhiên, tuyên bố không cho biết vũ khí nào được sử dụng trong cuộc tấn công này.

Trong vòng nửa giờ, một máy bay không người lái (UAV) đã tấn công khu vực bốc dỡ hàng, trong khi một UAV khác sau đó đã tấn công mái vòm của lò phản ứng thứ 6 của nhà máy.

Trong tuyên bố, Rosatom đã “cực lực lên án vụ tấn công chưa từng có” và kêu gọi Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi và Liên minh châu Âu (EU) phản ứng ngay lập tức trước mối đe dọa an toàn.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới lên án hành động “khủng bố hạt nhân” của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, ông Andriy Usov – người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), đã phủ nhận mọi liên quan.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, IAEA đã thông báo về vụ tấn công gây ra một thương vong tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. “Thiệt hại tại tổ máy số 6 không ảnh hưởng đến an toàn hạt nhân, nhưng đây là một sự cố nghiêm trọng có khả năng làm suy yếu tính toàn vẹn của hệ thống ngăn chặn của lò phản ứng,” IAEA cho biết.

Cơ quan này cho biết thêm rằng có 3 cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào nhà máy này.

Reuters không thể xác minh thông tin từ Nga và Ukraine.

Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, do Liên Xô thiết kế và từng cung cấp khoảng 1/5 lượng điện của Ukraine trước khi chiến sự nổ ra. Tuy nhiên, nhà máy đã nhiều lần đối mặt với tình trạng khủng hoảng an ninh hạt nhân khi chứng kiến các cuộc pháo kích tại khu vực lân cận. Nhà máy này cũng nhiều lần buộc phải vận hành bằng máy phát điện dự phòng.

Trong các cuộc tấn công trước đây, cả Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau về việc gây nguy hiểm cho nhà máy. Tuy nhiên, cả hai đều không chấp thuận việc thiết lập một khu vực an toàn xung quanh nơi đây. Trong khi đó, IAEA cũng nhiều lần cảnh báo các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy có thể gây ra những nguy hiểm dẫn đến thảm họa.

Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/