Hàng nghìn người Israel tập trung tại trung tâm Jerusalem ngày 31/3 nhằm biểu tình yêu cầu chính phủ nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn để giải thoát các con tin vẫn đang bị Hamas bắt giữ, trong khi một số kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Kể từ ngày 7/10/2023 khi các tay súng Hamas tấn công khu vực miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ nhiều người làm con tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết sẽ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas và đưa các con tin về nhà.
Trong khoảng thời gian ngừng bắn kéo dài một tuần hồi tháng 11 năm ngoái, khoảng một nửa số con tin bị giam giữ tại Gaza đã được trao đổi với các tù nhân người Palestine bị giam giữ tại các nhà tù ở Israel. Tuy nhiên, các nỗ lực nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và đưa những con tin còn lại về nhà cho tới hiện tại đều gặp thất bại trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra không cho thấy dấu hiệu tích cực.
Gia đình các con tin ngày càng trở nên gấp gáp và họ tập trung xung quanh Knesset, hay Tòa nhà Quốc hội nhằm gia tăng áp lực lên Thủ tướng Israel. Hãng tin AP dẫn lời ông Boaz Atzili, người nhà của 2 con tin bị bắt cóc vào ngày 7/10, cho biết: “Chúng tôi tin rằng sẽ không có con tin nào quay trở lại do chính phủ vẫn đang bận rộn với việc phá rối việc đàm phán cho các con tin”.
Ngoài ra, người biểu tình còn kêu gọi tổ chức bầu cử sớm cũng như đổ lỗi cho ông Netanyahu với các cáo buộc làm tổn hại mối quan hệ với Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel hay khiến Israel bị suy yếu trước cuộc tấn công ngày 7/10. Ông Netanyahu cũng đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Netanyahu và liên minh của ông đang tụt xa so với các đối thủ nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh đó, ông Netanyahu vào ngày 31/3, trước thời điểm ông trải qua cuộc phẫu thuật thoát vị, đã lên tiếng bày tỏ sự thông cảm và thấu hiểu với nỗi đau của các gia đình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sẽ làm tê liệt Israel trong 6 đến 8 tháng và làm đình trệ các cuộc đàm phán về con tin.
Cũng trong bài phát biểu cùng ngày, ông Netanyahu lặp lại lời cam kết về một cuộc tấn công quân sự trên bộ ở Rafah, thành phố phía nam Gaza, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu người Palestine tại Gaza đang trú ẩn sau khi chạy trốn chiến sự. Theo ông Netanyahu, “không có chiến thắng nếu không tiến vào Rafah”. Đồng thời, ông khẳng định áp lực từ phía chính phủ Mỹ sẽ không khiến ông chùn bước.
Tính tới ngày 31/3, Bộ Y tế Gaza cho biết có ít nhất 32.782 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel tấn công khu vực này. Con số trên không phân biệt dân thường và chiến binh, nhưng cơ quan này khẳng định phụ nữ và trẻ em chiếm khoảng 2/3 số người thiệt mạng.
Giao tranh phá hỏng nhiều cơ sở hạ tầng cũng như buộc phần lớn dân số phải rời khỏi nhà của mình và gây ra nguy cơ thảm họa nhân đạo. Liên Hợp Quốc và các đối tác đã nhiều lần đưa ra cảnh báo nạn đói có thể xảy ra ở phía bắc Gaza bị tàn phá và cô lập, đồng thời kêu gọi Israel cho phép viện trợ nhiều hơn nữa bằng đường bộ do việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo bằng đường biển và đường hàng không là chưa đủ.
Phản ứng lại các tuyên bố trên, Israel khẳng định không đặt ra giới hạn cho việc cung cấp viện trợ, đồng thời đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế khác về việc không phân phối thêm viện trợ.
Nhân viên an ninh đối phó với người biểu tình tại Jerusalem ngày 31/3/2024. Ảnh: AP |
Người biểu tình Israel kêu gọi chính phủ nhanh chóng đàm phán thả các con tin vẫn đang bị giam giữ. Ảnh: AP |
Người biểu tình Israel cũng kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Ảnh: AP |
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Dòng tiền ngoại quay trở lại với cổ phiếu các thị trường mới nổi
- Mỹ: Dự luật viện trợ cho Israel tắc tại Thượng viện
- Thị trường bất động sản & nghỉ dưỡng Việt Nam – “tái tạo” năng lượng để vượt khó?
- Chuyên gia: Tỷ giá “nổi sóng” không đáng ngại, chính sách tiền tệ vẫn có nhiều dư địa nới lỏng
- Long An chấn chỉnh loạt dự án không giao sổ đỏ cho người dân