Thị trường chứng khoán đang trong nhịp hồi phục mạnh mẽ từ cuối tháng 4 cùng thanh khoản dồi dào. Bên cạnh làn sóng nhà đầu tư mới tham gia đông đảo, nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) cũng đã tăng mạnh trong quý 2 vừa qua.
Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối 30/6 ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng vào cuối quý 2.
Tại cùng thời điểm 30/6, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán ước tính lên đến hơn 207.000 tỷ đồng, cũng tăng khoảng 17.000 tỷ đồng so với cuối quý 1. Tỷ lệ Margin/VCSH tương ứng đạt gần 70%.
Con số này cao hơn so với mức thấp nhất nhiều năm (khoảng 60%) ghi nhận trong giai đoạn từ quý 4/2022 đến 1/2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 120% được duy trì thường xuyên suốt giai đoạn năm 2021 đến đầu 2022.
Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ Margin/VCSH thấp như hiện nay, nhóm công ty chứng khoán ước tính còn đến 270.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới.
Cần phải lưu ý rằng, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/VCSH toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất.
Phần lớn các công ty chứng khoán đều có tỷ lệ Margin/VCSH nằm trong khoảng 80-120%. Mặt bằng này cao hơn đôi chút so với thời điểm cuối quý 1 nhưng vẫn tương đối an toàn. Các công ty chứng khoán còn thừa rất nhiều room có thể cho nhà đầu tư vay margin.
Tuy nhiên, vẫn có một số cái tên khác biệt, điển hình như Mirae Asset là công ty chứng khoán dẫn đầu về dư nợ margin hiện có tỷ lệ dư nợ Margin/VCSH trên 140%. Hay tại Chứng khoán Phú Hưng (PHS), tỷ lệ này lên đến 170%. Trong khi đó, SSI, TCBS, VND có dư nợ Margin/VCSH rất thấp, chỉ khoảng 40-60%.
Thời điểm cuối quý 2, TCBS hiện là công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường với 22.000 tỷ. SSI xếp ngay sau với 21.400 tỷ vốn chủ sở hữu và là một trong 2 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất ngành bên cạnh VPBankS với cùng 15.000 tỷ. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Mirae Asset khiếm tốn hơn nhiều chỉ khoảng 9.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong các công ty chứng khoán vốn nước ngoài, Pinetree có tỷ lệ Margin/VCSH thấp nhất ở mức 80%. Những cái tên còn lại như KIS, KBSV, ShinhanSec đều có tỷ lệ margin/VCSH trên 120%, cao hơn so với mặt bằng tạicác công ty chứng khoán nội. Nhóm này có thể sẽ chịu nhiều áp lực tăng vốn hơn trong thời gian tới nếu như cầu đòn bẩy của nhà đầu tiếp tục gia tăng.
Nhìn chung, tốc độ tăng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã chậm hơn đáng kể so với sự gia tăng nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Sau giai đoạn liên tục tăng vốn ồ ạt, hoạt động tăng vốn tại các công ty chứng khoán cũng đã chững lại rõ rệt. Các phương án chào bán quy mô lớn ít xuất hiện hơn so với với giai đoạn 2021-22.
Tỷ lệ Margin/VCSH tại các công ty chứng khoán có thể sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm. Trong khi đó, các phương án tăng vốn lớn nhiều khả năng sẽ phải chờ đến cuối năm, thậm chí sang năm tới mới có thể triển khai. Dù vậy, tỷ lệ Margin/VCSH hiện chưa ở mức báo động nên cũng không phải vấn đề quá lớn với các công ty chứng khoán.
Trước mắt, xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tạo ra những hiệu ứng tích cực lên thị trường chứng khoán cũng như hoạt động của các công ty chứng khoán. Phần lớn các công ty chứng khoán đã ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý 2 so với cùng kỳ và quý trước. Lãi suất huy động giảm giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn. Theo nhiều đơn vị phân tích, một phần tiền gửi ngân hàng đã và đang chuyển dịch sang kênh cổ phiếu dù con số có thể không quá lớn.
Trong khi đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm đã góp phần giảm chi phí vốn, giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Lãi suất giảm là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng margin.
Nguồn: https://markettimes.vn/tai-chinh
- Một doanh nghiệp bất động sản KCN báo lãi tăng trưởng 35%, gửi ngân hàng hơn 1.200 tỷ đồng
- Dự báo cuối năm 2024 thị trường đất nền mới có diễn biến tốt trở lại
- Video biển lửa bao trùm máy bay chở 379 người tại Tokyo
- Sao Vàng Holdings phân phối chính thức Mega Grand World Hà Nội
- Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 14/9