Thảm họa cầu Tangiwai tại New Zealand ngày 24/12/1953
Khi một phần bức tường chắn hồ núi lửa Ruapehu sập xuống vào tối ngày 24/12/1953, nước kèm theo phù sa khổng lồ đã chảy xuống sườn núi cuốn theo cây cối, đá và băng đổ vào sông Whangaehu. Một làn sóng nước, bùn và đá khổng lồ cao 6m đã đánh trúng và cuốn trôi một trụ bê tông của cây cầu đường sắt ở Tangiwai, cách Waiouru gần 10 km.
Tới 10h21 phút đêm ngày hôm đó, con tàu tốc hành đêm Wellington–Auckland cùng 9 toa xe di chuyển với tốc độ khoảng 65 km/h đã đến cây cầu đang bị suy yếu nghiêm trọng này. Khi cây cầu bị sập dưới sức nặng của đoàn tàu, động cơ của tàu lao xuống sông và lôi theo 5 toa tàu hạng hai xuống nước.
Sức mạnh của dòng nước lũ đã phá hủy 4 toa xe trong số này trong khi toa hạng nhất mang tên Car Z chao đảo trên mép cây cầu đổ nát trong vài phút trước khi tiếp tục lật nhào xuống sông. Nó lăn về phía hạ lưu trước khi dừng lại trên bờ khi mực nước rút xuống.
Đây là thảm họa đường sắt tồi tệ nhất tại New Zealand và là thảm họa đường sắt nguy hiểm thứ 8 trên thế giới vào thời điểm đó. Có tổng cộng 151 người trong số 285 hành khách và phi hành đoàn trên tàu thiệt mạng.
Sập cầu đường sắt tại Ulyanovsk, Liên Xô năm 1983
Con tàu du lịch đường sông mang tên “Aleksandr Suvorov” khởi hành từ Rostov đến Moscow vào ngày 5/6/1983, với ước tính 330 hành khách, 30 thành viên phi hành đoàn và 35 nhân viên phục vụ trên tàu.
Đến 10h45 tối hôm đó, một cuộc đấu giá diễn ra ở tầng trên của tàu, thu hút rất đông người tham dự. Thuyền trưởng của con tàu là ông Vladimir Kleymenov đã lui về cabin của mình để nghỉ ngơi và để người lái tàu Uvarov và đại phó Vladimir Mitenkov điều khiển con tàu du lịch.
Khi con tàu này đi tới cầu đường sắt Ulyanovsk bắc qua sông Volga, tai nạn xảy ra khi tàu không đi qua lối đi thông thường của mình. Từ bờ, kiểm soát viên nhanh chóng nhận ra con tàu đã đi sai hướng. Bất chấp những thông điệp cảnh báo liên tục được gửi tới con tàu và việc phóng pháo sáng khẩn cấp, những người kiểm soát vẫn kinh hãi chứng kiến chiếc “Aleksandr Suvorov” lao với tốc độ tối đa vào cầu.
Một vụ va chạm kinh hoàng phá hủy hoàn toàn phòng chiếu phim và boong tàu nơi hành khách tụ tập. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi đoàn tàu chở hàng phía trên cầu bị trật bánh và rơi xuống tàu “Aleksandr Suvorov”. Vụ tai nạn khiến tổng cộng 177 người thiệt mạng. Tuy nhiên, điều may mắn là con tàu vẫn nổi trên mặt nước, do đó bảo vệ được những hành khách và thủy thủ đoàn sống sót cho đến khi thuyền cứu hộ đến 40 phút sau đó.
Quang cảnh sảnh khách sạn Hyatt Regency ở thành phố Kansas, Mỹ bị sập năm 1981. Ảnh: Getty Images |
Sập cầu đi bộ Hyatt Regency tại thành phố Kansas, bang Missouri, Mỹ năm 1981
Vụ tai nạn này xảy ra tại khách sạn Hyatt Regency ở thành phố Kansas, bang Missouri vào ngày 17/7/1981, khiến 114 người thiệt mạng. Vào thời điểm vụ việc diễn ra, khi 2 cầu treo đi bộ đông đúc chạy dọc theo chiều dài của sảnh tòa nhà đột nhiên bị sập, trong khi có khoảng 2.000 thực khách đang có mặt sảnh khách sạn bên dưới để tổ chức một bữa tiệc khiêu vũ.
Hầu hết những người thiệt mạng đều ở tiền sảnh, hoặc trên lối đi ở tầng 2 do bị đè lên bởi vật liệu rơi xuống từ cây cầu.
Các cầu trên cao được giữ bằng các thanh nối với mái nhà, tuy nhiên cầu đi bộ ở tầng 2 lại được nối với cầu đi bộ ở tầng 4 chứ không phải mái nhà. Điều này đồng nghĩa với việc cầu đi bộ ở tầng 4 đang phải chịu tải trọng gấp đôi dự định. Cuộc điều tra sau đó cho thấy thiết kế của các thanh nối đã được nhà sản xuất thay đổi ở giai đoạn cuối để đơn giản hóa việc lắp ráp.
Sập cầu đường sắt Veligonda tại Ấn Độ năm 2005
Thảm họa cầu đường sắt Veligonda xảy ra vào ngày 29/10/2005 gần thị trấn Veligonda, phía nam Hyderabad thuộc bang Andhra Pradesh. Cụ thể đêm ngày hôm đó, đoàn tàu “Delta Express” đang di chuyển về phía nam, chở theo hàng trăm hành khách thì một bể thủy lợi nằm ở thượng nguồn của tuyến đường sắt bị vỡ, đẩy một khối lượng nước khổng lồ xuống kênh và phá hủy cây cầu trong bóng tối.
Khi đoàn tàu chở khách đâm vào đoạn cầu bị đứt đoạn sau đó không lâu, 4 toa xe đã lao xuống một cánh đồng, trong khi 3 toa khác rơi xuống kênh và bị cuốn ra xa hơn đến vùng nước sâu. Số liệu thống kê chính thức cho thấy có ít nhất 114 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong vụ tai nạn này.
Quang cảnh vụ sập cầu dẫn tới tai nạn tàu tại Eschede, Đức năm 1998. Ảnh: AP |
Thảm họa cầu Eschede tại Đức năm 1998
Vụ tai nạn này xảy ra vào tháng 6/1998 tại Đức do đoàn tàu tốc hành liên thành phố (ICE) có tên gọi “Wilhelm Conrad Rontgen” bị trật bánh khi đang ở tốc độ 200 km/h, phá hủy hai cột của cây cầu mà nó đi qua ở Eschede. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Đức, “lực va chạm kết hợp với tốc độ của động cơ phía sau của đoàn tàu đã đẩy các toa xe phía sau lao vào kết cấu cầu”.
Việc các cột của cây cầu bị phá hủy đã gây ra một trận mưa của khoảng 300 tấn bê tông xuống các toa tàu chạy qua, đặc biệt là toa số 5 và 6. Vào thời điểm đó, các chuyên gia đã mô tả quá trình các toa tàu lao vào đống đổ nát “giống như một chiếc thước gấp”. Lực va chạm đã nén 8 toa tàu ICE xuống còn chiều dài của một chiếc ô tô chỉ trong vài giây, khiến phần lớn hành khách thiệt mạng ngay lập tức.
Kết quả điều tra sau đó cho thấy nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra là do một chiếc lốp ở trục trước của toa đầu tiên bị gãy. Sau khi bị gãy, mảnh kim loại từ lốp xe đã đâm xuyên qua toa tàu và khiến tàu trật bánh. Vụ việc này đã khiến tổng cộng 101 người thiệt mạng.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/
- Một mặt hàng từ Hàn Quốc, Singapore đang liên tục đổ bộ vào Việt Nam: nhập khẩu tăng mạnh, giá đã tăng 4 tháng liên tiếp
- Thời điểm bất động sản đảo chiều?
- Giữa lúc nhiều chủ đầu tư nợ phí môi giới “đầm đìa” thì doanh nghiệp địa ốc này lại mạnh tay “thưởng nóng” để tạo động lực bán hàng
- Một loại quả bán tràn lan ở chợ Việt đang giúp người nông dân Ấn Độ trúng đậm: Giá tăng hơn 700%, người trồng thu lời gấp 20 lần so với năm trước
- Malaysia rút đăng cai Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2026