(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Hai (22/1), với chỉ số Dow Jones và S&P 500 đạt mức cao kỷ lục mới khi niềm tin của giới đầu tư vào thị trường vẫn đang ở mức cao.
Trước đó, các chỉ số chính trên Phố Wall đã bất ngờ chững lại vào đầu năm 2024, khi các nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc sớm cắt giảm lãi suất, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế đa chiều và các nhà hoạch định chính sách của Fed đã liên tục nhấn mạnh về sự lạc quan thái quá về khả năng kiểm soát lạm phát.
Các nhà giao dịch đã giảm mạnh đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 3, hiện ở mức 46%, theo Công cụ FedWatch của CME Group, từ mức hơn 80% được thấy vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, vào thứ Sáu tuần trước, chỉ số S&P 500 đã đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại, xác nhận thị trường tăng giá kể từ mức đóng cửa thấp nhất vào tháng 10/2022, sau một dự báo tập trung vào trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ từ TSMC của Đài Loan.
Các nhà đầu tư hiện sẽ tập trung phân tích chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số PMI của S&P Global và báo cáo GDP quý IV trong tuần này, để đánh giá hành động tiếp theo Fed khi nhóm họp vào ngày 31/1.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh cũng thu hút sự chú ý, với các công ty sẽ có thông báo vào tuần này như Netflix, Tesla, Abbott Lab, Intel và Johnson & Johnson.
Cho đến nay, 84,6% các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 đã vượt qua kỳ vọng thị trường.
Kết thúc phiên 22/1: Chỉ số Dow Jones tăng 138,01 điểm (+0,35%), lên 38.001,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,62 điểm (+0,22%), lên 4.850,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,32 điểm (+0,32%), lên 15.360,28 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, khi nhận hiệu ứng của phiên tăng mạnh trên Phố Wall trước đó, trong khi các nhà đầu tư cũng chờ đợi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ được đưa ra trong tuần này.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,78% lên 472,89 điểm.
Cổ phiếu công nghệ tăng hơn 2,1% và dẫn đầu mức tăng trong số các chỉ số phụ trên thị trường. Trong đó, cổ phiếu ASML tăng 3,1% sau khi Bernstein nâng xếp hạng của nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan lên “outperform” từ “market -outperform” trước đó.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi quyết định chính sách tiền tệ của ECB, dự kiến vào ngày 25/1, để xác định thời điểm cắt giảm lãi suất từ ngân hàng trung ương.
“Không có quyết định chính sách mới nào được mong đợi, nhưng thị trường sẽ tìm kiếm bất kỳ manh mối nào xung quanh đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Chúng tôi nghĩ rằng Chủ tịch ECB sẽ nhấn mạnh và chỉ ra rằng còn quá sớm để bắt đầu nói về việc cắt giảm lãi suất”, Mohit Kumar, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Jefferies cho biết.
Các nhà giao dịch đã dự báo việc ECB cắt giảm lãi suất khoảng 1% trong năm nay, với 96% cơ hội sẽ có đợt cắt giảm lần đầu tiên vào tháng 6.
Kết thúc phiên 22/1: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 25,78 điểm (+0,35%), lên 7.487,71 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 128,23 điểm (+0,77%), lên 16.683,36 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 41,61 điểm (+0,56%), lên 7.413,25 điểm.
Giá dầu thô tăng khá mạnh do lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn, sau khi Novatek, nhà nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga, cho biết buộc phải dừng hoạt động một cảng xuất khẩu nhiên liệu lớn trên Biển Baltic do cháy lớn và thời tiết băng giá tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất dầu thô của Mỹ.
Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,36 USD/thùng (+1,8%), lên 74,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,5 USD/thùng (+1,9%), lên 80,06 USD/thùng.
Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/
- TP.HCM khó đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở
- Anh cân nhắc cấm hút thuốc lá đối với thế hệ sinh sau năm 2008
- Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hậu thuẫn, VN-Index bật tăng trở lại
- Chứng khoán SSI lên kế hoạch lãi kỷ lục
- Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN: Trong tương lai GenZ sẽ ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng nội địa, như khẳng định “Người Việt dùng hàng Việt”