(ĐTCK) VN-Index ghi nhận mức giảm 0,5% trong tuần qua, đây dường như là nhịp giảm nằm trong kịch bản đã được dự báo từ trước.
Một vài thời điểm, chỉ số rung lắc mạnh khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ thái quá về nhịp điều chỉnh. Nhưng thực tế, diễn biến thị trường vẫn đang trong tầm kiểm soát khi ngưỡng hỗ trợ 1.070 điểm được giữ vững và sự phân hóa của dòng tiền vẫn âm thầm diễn ra.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư đang sống trong những ngày hân hoan khi chỉ số S&P 500 tiếp tục tăng, chỉ còn cách đỉnh cũ chưa tới 1%. Trong bối cảnh các chỉ báo tâm lý đều còn dư địa khả quan hơn, sẽ không bất ngờ nếu S&P 500 chứng kiến pha vượt đỉnh trong thời gian tới.
Sự tích cực ở thị trường Mỹ là tiền đề quan trọng giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam. Có thể thấy, nhà đầu tư chưa có dấu hiệu của sự hoảng loạn trong những phiên giảm điểm.
Nếu nhìn theo chiều tăng, VN-Index có khả năng rất thấp để hình thành sóng tăng mạnh như S&P 500, bởi quán tính giảm trước đó của chỉ số quá sâu (gần 18% so với đỉnh ngắn hạn), đồng thời các bên tham gia thị trường chưa tìm được sự đồng thuận. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn có động thái bán ròng, khối tự doanh công ty chứng khoán dường như đang mất phương hướng nên chưa có hành động quyết liệt, còn nhà đầu tư cá nhân chủ yếu “lướt sóng” nên không kỳ vọng quá xa.
Nhìn kỹ hơn về sự vận động của các cổ phiếu trụ thì vẫn có những điểm sáng nhất định. Xét từ đầu năm đến nay, có 4/7 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên HOSE vận động tốt hơn VN-Index. Thực tế, độ rộng của VN-Index tích cực không thua kém S&P 500 khi có tới 55% cổ phiếu nằm trên đường trung bình 200 ngày, chỉ khác là VN-Index bị níu chân bởi một số mã lớn như VIC, VHM, VNM, khiến mức tăng so với đầu năm chỉ hơn 8%.
Nhìn chung, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục vận động trong trạng thái tích lũy, biên độ từ 1.070 – 1.130 điểm. Trong bối cảnh này, chiến lược chọn cổ phiếu thuộc nhóm ngành hoặc cổ phiếu riêng lẻ có vốn hóa vừa sẽ được ưu tiên, bởi nhóm này không cần một lượng dòng tiền quá lớn để có thể tăng giá. Trong đó, chúng tôi đang quan sát kỹ các nhóm ngành đang có sự phân hóa so với mặt bằng chung như viễn thông, công nghệ, tài nguyên cơ bản, du lịch và giải trí.
Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/
- Chủ tịch Kon Tum yêu cầu xử lý 151 lô biệt thự giao không qua đấu giá
- BIDV: Ngân hàng đầu tiên tài trợ tín dụng dự án nhà ở xã hội theo Chương trình 120 nghìn tỷ đồng
- Sắp khởi công cầu hơn 8.000 tỷ đồng bắc qua sông Hậu
- Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ tới thăm Trung Quốc từ 6/7
- Trái phiếu xanh: Có dễ phát hành huy động vốn?