Tâm lý tích cực được duy trì, giới đầu tư tiếp tục đặt lệnh mua cổ phiếu

tam ly tich cuc duoc duy tri gioi dau tu tiep tuc dat lenh mua co phieu 655c9868a4f38

(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Hai (20/12), sau khi cổ phiếu Microsoft tăng tốc trước tin tức rằng người đứng đầu của OpenAI bị lật đổ Sam Altman sẽ gia nhập gã khổng lồ phần mềm, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi thêm manh mối về thời điểm Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Động lực tâm lý lớn nhất phiên này đến từ cổ phiếu của Microsoft, khi tăng hơn 2% và chạm mức cao nhất mọi thời đại hơn 377,4 USD/cổ phiếu, sau khi Giám đốc điều hành Satya Nadella cho biết Altman chuẩn bị gia nhập công ty để lãnh đạo một nhóm nghiên cứu AI tiên tiến mới.

Các chỉ số chính của Phố Wall đã có đợt phục hồi xuất sắc cho đến nay trong tháng 11, ghi nhận mức tăng tuần thứ ba liên tiếp trong tuần trước đó, khi ngày có thêm bằng chứng về việc lạm phát hạ nhiệt đã hỗ trợ đặt cược rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt.

“Theo truyền thống của thị trường, tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn sẽ ít có biến động. Thực sự không có nhiều tin tức kinh tế và tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể thấy nhiều thay đổi từ nay đến cuối năm”, Joe Saluzzi, Đồng sáng lập tại Themis Trading ở Chatham, New Jersey cho biết.

“Fed dường như đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Mọi người dự đoán tất cả các số liệu kinh tế mà chúng ta đã thấy tuần trước chắc chắn sẽ ủng hộ luận điểm rằng họ không cần phải tăng lãi suất nữa”, Joe Saluzzi nói thêm.

Các nhà giao dịch đã gần như đã tính toán đầy đủ khả năng Fed sẽ giữ lãi suất không thay đổi trong tháng 12 và đã bắt đầu dự báo đợt cắt giảm lãi suất đầu tuần ngay sau tháng 3/204, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Kết thúc phiên 20/11: Chỉ số Dow Jones tăng 203,76 điểm (+0,58%), lên 35.151,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 33,36 điểm (+0,74%), lên 4.547,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 159,05 điểm (+1,13%), lên 14.284,53 điểm.

Chứng khoán châu Âu giằng co và may mắn tăng nhẹ, trong bối cảnh tập đoàn Bayer công bố ngày tồi tệ nhất từ trước đến nay đã đè nặng lên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chỉ số chuẩn của Đức.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,09% lên 456,26 điểm.

Khi các nhà đầu tư bắt đầu dự báo các đợt cắt giảm lãi suất 1% cho năm 2024, thì các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cho đây là sự lạc quan quá mức của thị trường, và nhấn mạnh lạm phát vẫn cao.

Phiên này, nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn đầu với mức tăng 1,3% khi dự kiến OPEC+ tiếp tục cắt giảm nguồn cung trong những tuần tới.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giảm 0,4%, ảnh hưởng bởi Tập đoàn Bayer giảm 18,%, chạm mức thấp nhất trong 14 năm, sau khi hủy bỏ một giai đoạn cuối thử nghiệm một loại thuốc chống đông máu mới.

Bên cạnh đó, tin tức Tập đoàn của Đức này đã nhận án phạt 1,56 tỷ USD trong vụ kiện mới nhất tại Mỹ về thuốc diệt cỏ Roundup cũng làm tổn thương tâm lý thị trường.

Trong số các cổ phiếu khác, Tập đoàn Ashtead giảm 10,5% sau khi công ty cho thuê thiết bị của Anh cho biết họ dự kiến lợi nhuận trong năm này thấp hơn kỳ vọng, một phần do chi phí khấu hao hơn 2 tỷ USD.

Cổ phiếu Julius Baer giảm 12% sau khi ngân hàng Thụy Sĩ giảm kỳ vọng lợi nhuận trong năm.

Ở chiều ngược lại, nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật Diploma đứng đầu trên chỉ số STOXX 600 với mức tăng 11,2% sau khi dự báo biên lợi nhuận cả năm lạc quan.

Kết thúc phiên 20/11: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 7,89 điểm (-0,11%), xuống 7.496,36 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 17,83 điểm (-0,11%), xuống 15.901,33 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 13,02 điểm (+0,18%), lên 7.246,93 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản có lúc đã đạt mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ, trước khi đảo chiều giảm nhẹ về cuối phiên, khi nhà đầu tư trở nên thận trọng về mức tăng mạnh gần đây của chỉ số.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,59% xuống 33.388,03 điểm, sau khi tăng trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 3/1990. Chỉ số Topix giảm 0,77% ở mức 2.372,60 điểm.

“Các nhà đầu tư đã bán dứt khoát khi họ trở nên thận trọng về mức tăng mạnh gần đây của Nikkei 225”, Takehiko Masuzawa, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Phillip Securities Japan, cho biết.

“Có nhiều tín hiệu tích cực cho Nikkei 225 hơn là tín hiệu tiêu cực, với triển vọng của các doanh nghiệp mạnh mẽ và việc mua lại cổ phiếu từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh vừa qua cũng như lãi suất của Mỹ dường như đã đạt đỉnh”, Masuzawa nói.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, nhờ vào kỳ vọng trong các dấu hiệu hạ nhiệt quan hệ Trung-Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,46% lên 3.068,32 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,23% lên 3.576,32 điểm.

Giúp nâng cao tâm lý nhà đầu tư là một số dấu hiệu của căng thẳng giảm bớt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cuộc gặp tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một tín hiệu rất cần thiết cho thấy Thế giới cần hợp tác nhiều hơn, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Sáu.

Thông tin khác là hôm nay, Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn cố định, phù hợp với dự báo của thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông đi lên nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,86% lên 17.778,07 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,16% lên 6.103,34 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng 2,5%, với đầu tàu Tencent tăng 3,6%.

Trong khi đó, cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Sunac China Holdings tăng tới 11,8% sau khi công ty ra Tái cơ cấu nợ nước ngoài phát huy hiệu quả.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bật tăng hỗ trợ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI đóng cửa tăng 21,35 điểm, tương đương 0,86% lên 2.491,20 điểm.

Rất nhiều bất ổn đã được giải tỏa kể từ tuần trước và có một kỳ vọng lạc quan về kết quả kinh doanh của Nvidia vào cuối tuần này, điều này có thể nâng đỡ cổ phiếu chip Hàn Quốc”, Lee Kyoung-min, một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,28% và SK Hynix tăng 1,15%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,78%.

Kết thúc phiên 20/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 197,17 điểm (-0,59%), xuống 33.388,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,95 điểm (-0,46%), lên 3.068,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 323,88 điểm (+1,86%), lên 17.778,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 21,35 điểm +0,86%), lên 2.491,20 điểm.

Giá dầu tiếp tục tăng, bởi khả năng OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung trong sản xuất, dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp của các nước thành viên vào ngày 26 tới đây.

Kết thúc phiên 20/11, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 2,39 USD/thùng (+1,8%), lên 77,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,71 USD/thùng (+2,1%), lên 82,32 USD/thùng.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/