Ngày 25/9, ông Septian Hario Seto – quan chức tại Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia – cho biết các quốc gia phương Tây chưa sẵn sàng tài trợ cho việc Indonesia dừng hoạt động các nhà máy điện than.
Trả lời hãng tin Reuters bên lề hội nghị Coaltrans ngày 25/9, ông Septian Hario Seto, Thứ trưởng phụ trách đầu tư và khai thác mỏ tại Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia, cho biết: “Trong quá trình thảo luận, có một điều rất rõ ràng là các quốc gia phương Tây không muốn cung cấp tài chính cho việc ngừng hoạt động sớm các nhà máy điện than”.
“Yêu cầu của Indonesia rất rõ ràng là cho các nhà máy điện than ngừng hoạt động và xây dựng mạng lưới điện thông minh”, ông Hario Seto nói thêm. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây lại “quan tâm nhiều hơn tới “các dự án thương mại tái tạo” trong khi thách thức đối với Indonesia là nguồn cung điện dư thừa.
Theo ông, “ưu tiên nên là ngừng khai thác than hoặc tăng nhu cầu vì chúng tôi đang dư thừa điện. Nếu tiếp tục bổ sung thêm các dự án năng lượng tái tạo, điều này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của chúng tôi”. Thêm vào đó, việc ngừng sử dụng than theo Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) sẽ cần tới nguồn vốn ưu đãi từ các quốc gia phát triển.
Từ tháng 11/2022, Indonesia đã trở thành quốc gia thứ hai tham gia JETP. Thông qua sự hợp tác này, Indonesia sẽ nhận được nguồn vốn trị giá 20 tỷ USD từ liên minh các nước phát triển để giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các chương trình tài trợ cho JETP là sự kết hợp giữa đầu tư vốn cổ phần, trợ cấp và các khoản vay ưu đãi.
Theo JETP, Indonesia cam kết hạn chế và đạt mức phát thải carbon tối đa trong ngành điện ở mức 290 triệu tấn vào năm 2030. Con số này biến mức phát thải đỉnh vào năm 2030 của Indonesia thấp hơn 25% so với mức đỉnh dự báo trước đó vào năm 2037. Nếu kịp tiến độ, kế hoạch này sẽ loại bỏ 300 triệu tấn khí thải nhà kính cho đến năm 2030 và giảm hơn 2 tỷ tấn phát thải cho đến năm 2060.
Dự án ngừng hoạt động nhà máy điện than mới nhất tại Indonesia là một dự án thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá khoảng 300 triệu USD đối với một nhà máy điện đốt than công suất 660 MW ở Tây Java.
Trước Indonesia, Nam Phi là quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận theo JETP, đảm bảo cam kết tài trợ 8,5 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, Việt Nam cũng đạt được khoản tài trợ 15,5 tỷ USD trong thỏa thuận ký kết vào cuối năm 2022.
Nguồn: https://mekongasean.vn/the-gioi/