Thị trường giằng co, ngành thép có dấu hiệu phục hồi trong dài hạn

thi truong giang co nganh thep co dau hieu phuc hoi trong dai han 6564818d6d0eb

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa kết thúc 1 tuần giao dịch gây căng thẳng cho nhiều nhà đầu tư.

VN-Index có nhiều nhịp “giật”

Diễn biến của thị trường chung tuần qua rất giằng co và có nhiều nhịp giật mạnh, khiến VN-Index dao động trong biên độ từ 1.070 – 1.115 điểm. Theo đó, tính cả tuần, chỉ số giảm 0,5%, đóng cửa tại 1.095,61 điểm. Thanh khoản hồi phục mạnh khi VN-Index điều chỉnh về vùng giá thấp, giúp giá trị giao dịch đạt mức trung bình trên 15.000 tỷ đồng/phiên, cải thiện rõ nét so với giai đoạn tháng 9 và 10/2023.

Về quan điểm phân tích kỹ thuật, VN-Index duy trì trên 1.080 điểm là ngưỡng hỗ trợ mạnh của giá và vùng tập trung thanh khoản lớn trước đây. Điều này thể hiện tâm lý nhà đầu tư vẫn ổn định và sẵn sàng tham gia tại vùng giá thấp dưới 1.100 điểm. Vì vậy, tuần này, chỉ số có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1.080 – 1.115 điểm.

07 102

Trong tuần qua, nhóm ngành bất động sản, chứng khoán và tài nguyên cơ bản biến động mạnh. Nếu như đầu tuần, đây là các nhóm ngành thu hút dòng tiền của giới đầu tư, giúp nhiều mã cổ phiếu tiến gần đến vùng đỉnh ngắn hạn, thì đến kết thúc tuần giao dịch, đây cũng là các nhóm ngành chịu áp lực điều chỉnh lớn. Khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần bán ròng 22 tỷ đồng, tập trung vào VPB, VHM và FUESSVFL.

Ngành thép – Dấu hiệu phục hồi trong dài hạn

Trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng thép thành phẩm đạt 19 triệu tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tính riêng thép thô sản xuất trong nước, sản lượng nhóm mặt hàng này là 14 triệu tấn, giảm 13%.

Nhìn chung, thị trường thép trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng của nhóm ngành bất động sản. Các lĩnh vực tiêu thụ thép chính như xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, hạ tầng chưa đạt được mức độ tăng trưởng cao như trước.

Điểm tích cực là xuất khẩu thép Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2023. Việc giá thép thành phẩm trên thế giới phục hồi và phần lớn các lò cao Trung Quốc vẫn còn đang tạm thời đóng cửa đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam hưởng lợi. Tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu thép đạt gần 6 triệu tấn, tăng 22,6%. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm đạt 5,8 triệu tấn, tăng 23,3%.

Nhập khẩu thép Việt Nam cũng tăng, do giá thép trong nước tăng cao hơn giá thế giới, khiến các doanh nghiệp trong nước có xu hướng nhập khẩu thép để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thép Việt Nam đạt 8,6 triệu tấn, tăng 25,3%. Trong đó, nhập khẩu thép thành phẩm đạt 8,2 triệu tấn, tăng 25,6%.

Kể từ đầu tháng 10, thị trường thép Việt Nam đã có 5 đợt tăng giá, hiện tại đang ở mức cao hơn khoảng 4% so với đáy, chủ yếu là các sản phẩm từ thép cuộn cán nóng (HRC), bao gồm tôn mạ, ống thép…

Giá thép nội địa hồi phục nhanh có thể đến từ 2 nguyên nhân chính: một là, giá nguyên liệu thép gồm than cốc và quặng sắt tăng trở lại trong vài tuần gần đây, sau thông tin về gói hỗ trợ bất động sản của Chính phủ Trung Quốc trong việc nỗ lực kích thích nền kinh tế; hai là, giá điện tăng khiến chi phí sản xuất của ngành thép tăng.

Đánh giá chung, ngành thép đang bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng động lực cho giá thép hiện tại hầu như chỉ đến từ việc chi phí sản xuất tăng. Ngành bất động sản và xây dựng dân dụng vẫn cho thấy nhu cầu yếu, trong khi các dự án hạ tầng đang triển khai chưa thúc đẩy nhu cầu thép một cách rõ rệt. Sự phục hồi của ngành thép có thể mang tính dài hạn hơn, khi các nút thắt của ngành bất động sản tại Việt Nam và Trung Quốc cần nhiều thời gian hơn để tháo gỡ.

Trong ngắn hạn, ngành thép đang có những chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh, khi biên lợi nhuận trong quý III của các doanh nghiệp lớn trong ngành như HPG, HSG, NKG được cải thiện so với quý II.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/