Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đột ngột lao dốc

thi truong tai chinh 24h chung khoan dot ngot lao doc 661e1e9191a03

(ĐTCK) VN-Index lao dốc; Tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực; Vốn ngoại bao giờ trở lại sàn chứng khoán?; Lạc quan thận trọng; Nhận diện “cơ hội, rủi ro” mùa đại hội 2024; Hai câu chuyện chính khiến giá hàng hoá tăng vọt…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 15/4 tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều bán so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và 300.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 82,10 – 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 28 USD xuống 2.344,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục mạnh lên trên 2.370 USD, nhưng đã lùi về dưới 2.350 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,90 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.096 đồng/USD, tăng 14 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.960 – 25.300 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh xuống 64.100 USD thì sang phiên hôm nay đã có diễn biến hồi phục dần và lên trên 66.800 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,88 USD (-1,03%), xuống 84,78 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,85 USD (-0,94%), xuống 89,60 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Thị trường sau những phút đầu giằng co, rung lắc nhẹ và không có tín hiệu mới nào đáng kể trong suốt phiên sáng.

Nhưng lực cung giá thấp bất ngờ được tung vào và trên diện rộng khiến bảng điện tử tràn ngập những mã giảm sàn và khép lại phiên giao bốc hơi tới 60 điểm, xuyên qua các vùng hỗ trợ và là phiên giảm sâu nhất trong gần 2 năm qua, từ khi thị trường hồi phục sau “cú ngã” vào giữa tháng 5/2022.

Màn lao dốc đột ngột khiến nhà đầu tư không kịp trở tay và tất cả đều đặt câu hỏi rằng, điều gì đang xảy ra trên thị trường, thậm chí nỗi lo càng dâng cao hơn về kịch bản cũ có lặp lại khi thị trường trải qua chuỗi ngày dài đen tối vào năm 2022 sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.500 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 34,67 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt hơn 1.231 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/4: VN-Index giảm 59,99 điểm (-4,7%), xuống 1.216,61 điểm; HNX-Index giảm 11,62 điểm (-4,82%), xuống 229,71 điểm; UPCoM-Index giảm 2,23 điểm (-2,44%), xuống 88,98 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Sáu (12/4), khi những lo ngại về lạm phát và địa chính trị gây ảnh hưởng xấu.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh với các ngân hàng gây thất vọng, khi JPMorgan Chase giảm hơn 6%, khi cho thấy thu nhập lãi ròng, có thể thấp hơn so với kỳ vọng, cổ phiếu Wells Fargo giảm 0,4%% sau khi công bố số liệu kinh doanh quý mới nhất, cổ phiếu Citigroup mất 1,7% mặc dù báo cáo doanh thu vượt kỳ vọng.

Thêm vào đó, thông tin Iran có thể tấn công trả đũa Isarel cũng khiến áp lực bán gia tăng trên thị trường.

Trong tuần, Dow Jones giảm 2,37%, S&P 500 mất 1,56% còn Nasdaq Composite giảm 0,45%.

Kết thúc phiên 12/4: Chỉ số Dow Jones giảm 475,84 điểm (-1,24%), xuống 37.983,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,65 điểm (-1,46%), xuống 5.123,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 267,10 điểm (-1,62%), xuống 16.175,09 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do các nhà đầu tư bán cổ phiếu sau khi xung đột leo thang ở Trung Đông và ảnh hưởng từ phiên bán tháo trên Phố Wall vào cuối tuần trước.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,74% xuống 39.232,80 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,23% xuống 2.753,20 điểm.

“Tâm lý tránh rủi ro đang thực sự đẩy chứng khoán Nhật Bản đi xuống. Tuy nhiên, với đường trung bình động 25 ngày của Nikkei 225 được trở thành hỗ trợ đã giúp thị trường tránh một phiên giảm mạnh hơn”, Kazuo Kamitani, chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura Securities, cho biết.

Phiên này, Astellas dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225 khi lao dốc gần 8%, đưa ngành dược phẩm trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong trong số 33 chỉ số phụ với mức giảm 1,86%.

Trong khi đó, cổ phiếu vận tải biển và dầu mỏ tăng, trong bối cảnh căng thẳng xung đột tại Trung Đông gia tăng, lần lượt tăng 2,41% và 1,02%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi cơ quan quản lý ban hành các quy tắc dự thảo mới để vực dậy thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,26% lên 3.057,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 2,11% lên 3.549,08 điểm.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã ban hành các quy tắc dự thảo vào thứ Sáu để tăng cường giám sát việc niêm yết công ty, hủy niêm yết và giao dịch bằng Robot, một động thái để cải thiện thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, sau khi cuộc tấn công cuối tuần của Iran vào Israel thổi bùng những lo ngại mới về một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,72% xuống 16.600,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,39% xuống 5.856,44 điểm.

Thông tin đáng kể khác là việc cơ quan quản lý chứng khoán Hồng Kông đã phê duyệt các quỹ giao dịch trao đổi bitcoin và ethereum (ETF), một cột mốc quan trọng trên con đường trở thành thành phố đầu tiên của châu Á chấp nhận tiền điện tử như một công cụ đầu tư chính thống.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi sự lo ngại gia tăng sau các cuộc không kích của Iran vào Israel vào cuối tuần qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 11,39 điểm, tương đương 0,42%, xuống 2.670,43 điểm.

Kết thúc phiên 15/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 290,75 điểm (-0,74%), xuống 39.232,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 37,90 điểm (+1,26%), lên 3.057,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 121,23 điểm (-0,72%), xuống 16.600,46 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 11,39 điểm (-0,42%), xuống 2.670,43 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực

Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang chịu nhiều áp lực, mặc dù đà tăng có thể phần nào được hạn chế nhờ các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước..>> Chi tiết

– Vốn ngoại bao giờ trở lại sàn chứng khoán?

Trong bối cảnh tỷ giá đang gặp nhiều áp lực, sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam khó có sự bứt phá. Tính đến ngày 10/4, khối ngoại bán ròng 14.500 tỷ đồng trên sàn HoSE..>> Chi tiết

– Lạc quan thận trọng

Các số liệu kinh tế chung cũng như sự chủ động, tự tin của nhiều doanh nghiệp trong việc tăng tốc kế hoạch đầu tư, kinh doanh cho thấy rõ một điều, các hoạt động kinh tế quý I/2024 đã có sự hồi phục đáng kể từ mức đáy tăng trưởng các quý trước đó – như chủ đề “Hồi phục từ đáy” mà Đầu tư Chứng khoán chọn làm Tiêu điểm của số báo này..>> Chi tiết

– Nhận diện “cơ hội, rủi ro” mùa đại hội 2024

Thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó có cơ hội từ việc các doanh nghiệp tăng vốn, đẩy mạnh triển khai dự án..>> Chi tiết

– Hai câu chuyện chính khiến giá hàng hoá tăng vọt

Ngoài vàng, các nguyên liệu thô khác cũng tăng giá mạnh mẽ từ đầu năm tới nay..>> Chi tiết

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/