Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán khắp châu Á nổi sóng

thi truong tai chinh 24h chung khoan khap chau a noi song 6555d6ee53948

(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 12 điểm; Đo độ nóng M&A ngân hàng; Sóng sánh cổ phiếu ngành nước; BSC đánh giá sự trở lại đầy ấn tượng của nhà đầu tư cá nhân; Goldman Sachs: Nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng tích cực hơn dự kiến vào năm 2024…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 15/11 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, hiện đứng ở mức 69,80 – 70,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 16,9 USD lên 1.962,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giá vàng nhích dần và leo lên trên 1.970 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,26 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.016 đồng/USD, giảm 4 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.100 – 24.440 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 36.200 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và có nhịp rơi về 35.200 USD, trước khi hồi lại vùng 36.000 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,36 USD (-0,46%), xuống 77,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,33 USD (-0,40%), xuống 82,14 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.120 điểm

Dòng tiền hưng phấn nhập cuộc ngay khi mở cửa đã giúp nhiều nhóm ngành đều khởi sắc, đi cùng thanh khoản ấn tượng.

Tuy nhiên, thị trường đã giảm nhiệt sau giờ nghỉ trưa, khi áp chốt lời xuất hiện, nhưng VN-Index vẫn khép lại tăng gần 13 điểm và vượt thành công mốc 1.120 điểm với diễn biến tích cực khi số mã tăng chiếm áp đảo, gấp hơn 3 lần số mã tăng.

Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng sôi động trở lại với tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HOSE tiệm cận mức 20.000 tỷ đồng.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,67 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 189,59 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/11: VN-Index tăng 12,77 điểm (+1,15%), lên 1.122,5 điểm; HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,2%), lên 227,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,41%), lên 87 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số của chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên thứ Ba (14/11) khi dữ liệu CPI hạ nhiệt đã thúc đẩy kỳ vọng Fed đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm vào năm tới.

Cụ thể, trong tháng 10/2023, chỉ số CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước và đi ngang so với tháng trước. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI tăng 3,3% so với cùng kỳ và tăng 0,1% so với tháng 9.

Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) – một thước đo lạm phát ưa thích của Fed chỉ tăng 0,2% so với tháng 10 và 4% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo 0,3% và 4,1% của các chuyên gia.

Kết thúc phiên 14/11: Chỉ số Dow Jones tăng 489,83 điểm (+1,43%), lên 34.827,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 84,15 điểm (+1,91%), lên 4.495,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 326,64 điểm (+2,37%), lên 14.094,38 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, lần đầu tiên vượt qua mức tâm lý 33.000 điểm trong gần hai tháng, nhờ các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ và tỷ lệ đặt cược cao hơn vào việc Fed đã hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,52% lên 33.519,70 điểm. Chỉ số Topix rộng tăng 1,19% lên 2.373,22 điểm.

“Đối với Nikkei 225, mức cản tâm lý trên 32.000 điểm đã hoàn toàn được chinh phục sau CPI của Mỹ được công bố. Đồng thời, việc mua cổ phiếu tập trung xung quanh các công ty công bố lợi nhuận thuận lợi cũng đã tác động lớn tích cực đến thị trường hôm nay”, Kazuo Kamitani, chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura Securities, cho biết.

Nhưng với mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã kết thúc ở cả Nhật Bản và Mỹ, trọng tâm của thị trường sẽ tập trung vào triển vọng chính sách tiền tệ, Kamitani nói thêm.

Phiên này, cổ phiếu Idemitsu Kosan là cổ phiếu tăng cao nhất trên Nikkei 225, tăng 18,29% sau khi nâng dự báo lợi nhuận và thông báo chia tách cổ phiếu.

Điều đó đã giúp các nhà sản xuất dầu và than trở thành nhóm hoạt động tốt nhất trong số 33 nhóm ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE), với mức tăng 6,42%.

Cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn tăng mạnh với Advantest tăng 7,48% và nhà sản xuất máy móc sản xuất chip Tokyo Electron tăng 3,81%.

Những cổ phiếu tăng đáng chú ý khác bao gồm SoftBank Group và Sony, tăng khoảng 5% mỗi cổ phiếu.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các nhà giao dịch đón nhận dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, có khả năng chấm dứt các đợt tăng lãi suất của Fed cũng như chương trình hỗ trợ ngành bất động sản mới trị giá 137 tỷ USD.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,55% lên 3.072,83 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,7% lên 3.607,25 điểm.

Trung Quốc dự kiến cấp ít nhất là 1.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 137 tỷ USD) các khoản vay lãi suất thấp cho việc cải tạo các ngôi làng ở đô thị và các chương trình nhà ở giá rẻ, trong nỗ lực mới nhất nhằm vực dậy thị trường bất động sản.

Việc bơm tiền này được cho là sẽ bổ sung vào danh sách dài các biện pháp từng phần được Trung Quốc công bố để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính, Chetan Seth, chiến lược gia cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương tại Nomura, cho biết trong một lưu ý.

Các hoạt động kinh tế cũng có dấu hiệu cải thiện, với doanh số bán lẻ, thước đo của chỉ số tiêu dùng đã tăng 7,6% trong tháng 10, cao hơn từ mức tăng 5,5% trong tháng 9 và đạt mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 5.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,6%, cao hơn dự báo.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm nay cũng đã bơm ròng 600 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng để tăng thanh khoản.

Chứng khoán Hồng Kông tăng tới gần 4%, lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ củng cố kỳ vọng rằng việc tăng lãi suất của Fed có thể đã chấm dứt, trong khi tâm lý cũng được thúc đẩy bởi kế hoạch bơm vốn 137 tỷ USD của Đại lục cho thị trường bất động sản giá rẻ.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 3,92% lên 18.079,00 điểm, mức tăng tốt nhất kể từ ngày 1/3. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 4,02% lên 6.204,22 điểm.

Chỉ số công nghệ tăng 4,4%, với Alibaba Group tăng 5,1%, Meituan tăng 4,6%, Baidu tăng 5%, Tencent tăng 4,8% và JD.com tăng 6,4%.

Cổ phiếu bất động sản Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã tăng hơn 5% sau tin tức Trung Quốc cung cấp 1.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 137 USD) tài trợ lãi suất cho nhà ở giá rẻ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt hơn 2% được hỗ trợ bởi sự lạc quan từ dữ liệu lạm phát chậm lại của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 53,42 điểm, tương đương 2,2% lên 2.486,67 điểm.

“Dữ liệu lạm phát của Mỹ lạc quan hơn dự kiến, trong khi các chỉ số kinh tế ở Trung Quốc cũng vượt qua các dự báo, cung cấp động lực cho thị trường chứng khoán Hàn Quốc phiên hôm nay”, Huh Jae-hwan, nhà phân tích tại Eugene Investment Securities, cho biết.

Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 1,98% và SK Hynix tăng 3,15%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 3,32%.

Kết thúc phiên 15/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 823,77 điểm (+2,52%), lên 33.519,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,76 điểm (+0,55%), lên 3.072,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 682,13 điểm (+3,92%), lên 18.079,00 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 53,42 điểm (+2,20%), lên 2.486,67 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

– Đo độ nóng M&A ngân hàng

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang nóng lên với nhiều thương vụ diễn ra trong thời gian gần đây và hàng loạt kế hoạch mới được ấp ủ..>> Chi tiết

– Sóng sánh cổ phiếu ngành nước

Dù lợi nhuận có sự phân hóa trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2023, nhưng cổ phiếu nhóm doanh nghiệp ngành nước nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng ổn định..>> Chi tiết

– BSC đánh giá sự trở lại đầy ấn tượng của nhà đầu tư cá nhân

Báo cáo mới đây của Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) về câu chuyện thị trường năm 2023 đã nhận định, sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân là điểm nhấn chính của thị trường chứng khoán năm nay..>> Chi tiết

– Goldman Sachs: Nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng tích cực hơn dự kiến vào năm 2024

Goldman Sachs dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức cao hơn kỳ vọng vào năm 2024 nhờ tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ và niềm tin rằng giai đoạn tăng lãi suất tồi tệ nhất đã qua..>> Chi tiết

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/