Mới đây, J.P. Morgan công bố chỉ ra các yếu tố tích cực, thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, J.P. Morgan nhận định Việt Nam đang đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng sôi động và đáng chú ý nhất trong khu vực châu Á.
Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2022 – mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM. Mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2030, GDP bình quân đầu người sẽ tăng lên mức 7.500 USD và chạm mốc 10.000 USD vào 5 năm sau đó.
Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tầng lớp trung lưu được mở rộng, tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ năm 2010, J.P. Morgan cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng gia tăng định giá trong tương lai.
Theo J.P. Morgan, thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam có độ thâm nhập còn thấp, ở mức 12% so với tỷ lệ 20-45% ở các nước thành viên ASEAN, và có mức độ sử dụng kênh marketing để tạo lợi thế cạnh tranh vừa phải so với khu vực.
Với lực lượng lao động đang di chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, J.P. Morgan cho rằng một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới.
Sự hình thành tầng lớp trung lưu mới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng. Theo quan điểm của J.P. Morgan điều này sẽ tiếp tục trong vòng 5 – 10 năm tới.
Trong một báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026.
Theo Tạp chí Lý luận chính trị, tầng lớp trung lưu là tập hợp những người thuộc tầng lớp giữa trong tháp phân tầng xã hội, có sự độc lập tương đối về mặt kinh tế; có sự tương đồng văn hóa, lối sống, nghề nghiệp, mức thu nhập, vị thế xã hội, trình độ học vấn, cũng như hành vi tiêu dùng và hành vi chính trị – pháp luật.
Hiện nay, việc nhận diện quy mô và sự phát triển tầng lớp trung lưu Việt Nam đang dựa trên nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Xét theo tiêu chí kinh tế (trên 2 lần ngưỡng nghèo), thì tầng lớp trung lưu Việt Nam chiếm khoảng 65% dân số.
Xét theo tiêu chí học vấn (trong hộ có ít nhất 1 người học trên trung học phổ thông), thì tỉ lệ trung lưu là 50%; Xét theo tiêu chí nghề nghiệp (có ít nhất 1 thành viên trong hộ làm nghề phi giản đơn, có chuyên môn) thì tỷ lệ tầng lớp trung lưu là 35%.
Nguồn: https://markettimes.vn/tai-chinh
- Gom mạnh MSN và SSI, khối ngoại trở lại mua ròng 190 tỷ đồng trong phiên 13/7
- Khối ngoại mạnh tay bán ròng gần 1.000 tỷ đồng, VN-Index giảm sâu 18 điểm phiên đầu tuần
- Đang chở ‘vị khách’ đặc biệt trên cao tốc, người đàn ông lập tức bị cảnh sát dừng xe, yêu cầu rời thành phố ngay lập tức
- Khối ngoại đảo chiều bán ròng ngày VN-Index giảm mạnh nhất từ đầu quý
- Chính thức khai trương văn phòng bán hàng Capital Elite 18 Phạm Hùng