Trợ lực từ kết quả kinh doanh quý I

tro luc tu ket qua kinh doanh quy i 661724ed497c8

Thị trường chứng khoán quý I/2024 mang lại hiệu suất lợi nhuận tốt, với sự lan tỏa ở nhiều nhóm ngành

(ĐTCK) Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý I/2024 được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, trợ lực cho thị trường trong bối cảnh chỉ số chung có nhịp rung lắc.

Nhiều tín hiệu khả quan

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) cho biết, quý I/2024, Công ty ước đạt doanh thu 674 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng thu phí BOT đóng góp 458 tỷ đồng, mảng xây lắp đóng góp 200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm nay ước đạt 109 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

HHV dự kiến trình đại hội cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt hơn 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 11% so với năm 2023. Cơ cấu doanh thu năm 2024 ước tính có hơn 1.700 tỷ đồng đến từ mảng thu phí BOT, hơn 1.300 tỷ đồng đến từ mảng xây lắp (dự án Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh chiếm 65%).

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV cho hay, dự kiến đến năm 2025, Công ty sẽ đầu tư gần 400 km đường cao tốc với vai trò là nhà đầu tư chính tại dự án Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị – Chi Lăng (Lạng Sơn), là nhà đầu tư đề xuất dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP.HCM – Chơn Thành (Bình Phước), Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, Cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…

Tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (VGC), kết thúc quý I/2024, doanh nghiệp ước đạt doanh thu trên 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 400 tỷ đồng, thực hiện vượt kế hoạch quý. Các mảng chủ lực mang lại doanh thu vẫn là vật liệu xây dựng thị trường nội địa, xuất khẩu và bất động sản. Kim ngạch xuất khẩu quý đầu năm nay của VGC tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; lĩnh vực gạch ốp lát có mức tăng trưởng cao, đóng góp 52% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở nhóm ngân hàng, SeABank ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Với nhóm công ty chứng khoán, thanh khoản thị trường tăng mạnh giúp nhiều công ty ghi nhận lợi nhuận tốt. Các công ty có thị phần môi giới và cho vay giao dịch ký quỹ lớn như VPS, SSI, HSC chia sẻ, hai mảng này mang lại doanh thu cao trong quý I/2024. Công ty Chứng khoán DSC ước tính, lợi nhuận trước thuế quý vừa qua đạt trên 70 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi hơn 13 tỷ đồng.

Nhìn tổng quan, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024 có thể đạt mức tăng trưởng 15%, dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ và mặt bằng lãi suất thấp.

Trong đó, ngành ngân hàng “giữ nhịp” tăng trưởng toàn thị trường với ước tính lợi nhuận quý tăng 20%, nhưng sẽ có sự phân hóa. Các ngân hàng có lợi thế riêng về mảng cho vay (HDBank, Techcombank) hoặc những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện, giảm áp lực trích lập dự phòng (BIDV, Techcombank, Sacombank) sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn.

Ngành thép có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật (dự kiến tăng hơn 160%) khi đang bước vào chu kỳ hồi phục, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu giảm nhanh hơn giá thành phẩm.

Một ngành khác ước tính tăng trưởng lợi nhuận cao (49%) là bán lẻ, khi kinh tế phục hồi, khu vực sản xuất tăng trưởng trở lại, giúp thu nhập của người tiêu dùng cải thiện, từ đó nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Nhưng mức tiêu thụ với từng ngành hàng bán lẻ sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Với các doanh nghiệp bán lẻ thiết bị công nghệ thông tin, doanh thu dự kiến tương đương cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng giá bán điện thoại di động và điện máy không còn cạnh tranh gay gắt như trong năm 2023 sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận. Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm có khả năng duy trì đà tăng trưởng. Đối với doanh nghiệp bán lẻ trang sức như Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), lợi nhuận không dễ tăng bởi mức nền so sánh cao của cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm ngành dầu khí cũng được dự báo đạt kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2024 và các quý tới, nhất là doanh nghiệp hoạt động ở khu vực thượng nguồn và trung nguồn – hưởng lợi từ dự án Lô B – Ô Môn. Có thể kể đến Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (tham gia các gói thầu EPCI ở khâu thượng nguồn, gói thầu EPC đường ống bờ), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (có thể tham gia giai đoạn đầu của dự án từ năm 2025 và khoan các giếng khai thác bổ sung vào giai đoạn sau), Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (quản lý đường ống vận chuyển khí Lô B).

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá, thị trường chứng khoán trong quý I/2024 có hiệu suất lợi nhuận tốt, với sự lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, theo số liệu vĩ mô vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế quý đầu năm 2024 hồi phục chậm và một số rủi ro như về tỷ giá, lạm phát, an ninh mạng đang xuất hiện.

Dự báo các nhóm ngành khả quan

Các nhóm ngành dự kiến đạt lợi nhuận quý I/2024 khả quan là ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu, bất động sản công nghiệp, thép, dệt may, thủy sản, vận tải, hóa chất, sản xuất thực phẩm, chứng khoán…

Cùng với thông tin từ mùa đại hội cổ đông, kỳ vọng vào lợi nhuận quý I/2024 đang là yếu tố trợ lực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên nhận định, thị trường khó có thể hình thành “sóng” kết quả kinh doanh, vì sự phân hóa giữa các nhóm ngành, thậm chí ngay trong cùng một ngành sẽ rõ nét.

Trong đó, một số nhóm ngành dự kiến đạt lợi nhuận khả quan là ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu, bất động sản.

“Đối với nhóm ngân hàng, chúng tôi tin rằng, mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp sẽ giúp hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, lợi nhuận nhóm ngân hàng sau khi giảm 5% trong năm 2023 dự kiến sẽ hồi phục khả quan quanh mức 12 – 15% trong năm 2024. ACB, MB là hai cổ phiếu đang có nhiều triển vọng, mặc dù đã trải qua một nhịp tăng giá”, bà Mỹ Liên nói.

Đối với ngành bán lẻ, lợi nhuận được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ sau một năm sụt giảm và hoạt động tái cấu trúc dần mang lại kết quả, trong đó các mã cổ phiếu đáng quan tâm là MWG, FRT, PNJ.

Trong nhóm xuất khẩu, các cổ phiếu dệt may như STK, MSH, TCM, cổ phiếu thủy sản như FMC, ANV, VHC là lựa chọn khả quan.

“Ngoài ra, gần đây, chúng tôi khuyến nghị nhóm cổ phiếu ngành cao su như DRI, DPR nhờ triển vọng tích cực trong năm 2024”, bà Liên chia sẻ.

Đối với nhóm bất động sản, việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và quyết tâm của Chính phủ trong việc làm “ấm” lại thị trường sau 2 năm khó khăn giúp các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng huy động vốn nhằm tích lũy quỹ đất, công bố mở bán dự án trở lại. Khi chọn đầu tư vào nhóm này, nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu của các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững mạnh, quỹ đất sạch với pháp lý đầy đủ như VHM, KDH, NLG.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá cao nhóm dệt may, thủy sản, vận tải, hóa chất, sản xuất thực phẩm, bán lẻ, bất động sản công nghiệp, chứng khoán.

“Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường đang ở trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư nên hạn chế mua vào, có thể cân nhắc chốt lời một phần cổ phiếu”, ông Minh nói và khuyến nghị, trong trung và dài hạn, nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế mua và nắm giữ, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, thể hiện qua kết quả kinh doanh quý đầu năm và triển vọng cả năm 2024.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/