Đại diện Vincom Retail nhấn mạnh hiện tại doanh nghiệp này không có ý định đổi tên sau khi Vingroup thoái vốn và có thêm cổ đông mới bởi đây đã là thương hiệu được xây dựng hơn 20 năm.
Sáng 23/4, báo cáo tình hình kinh doanh tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE), Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền cho biết, trong năm 2023 vừa qua, Vincom Retail ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi thành lập với 9.791 tỷ đồng doanh thu và 4.409 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 33% và 59% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, Vincom Retail khai thác và vận hành hệ thống 83 trung tâm thương mại thương hiệu Vincom trên cả nước, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 1,75 triệu m2.
Về mục tiêu kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần khoảng 9.500 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng, tăng nhẹ 11 tỷ so với kết quả của năm 2023. Năm nay, Vincom Retail dự kiến sẽ khai trương thêm 6 trung tâm thương mại với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 1171.000 m2.
Về phương án phân phối lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế trên Báo cáo tài chính hợp nhất đến thời điểm 31/12/2023 là 16.476 tỷ đồng. HĐQT trình cổ đông phê duyệt việc giữ toàn bộ lợi nhuận để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, như vậy năm nay doanh nghiệp này sẽ không chia cổ tức.
Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VRE. |
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua tờ trình miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là bà Thái Thị Thanh Hải và bà Lê Mai Lan. Hiện bà Thái Thị Thanh Hải là Chủ tịch HĐQT Vincom Retail và bà Lê Mai Lan là thành viên HĐQT công ty.
HĐQT sẽ bầu bổ sung một thành viên cho nhiệm kỳ năm 2023-2028. Người ứng cử cho vị trí này là ông Nguyễn Hoài Nam đang là Tổng Giám đốc Tập đoàn Berjaya tại Việt Nam
Ông Nam sinh năm 1970, hiện là Tổng giám đốc chi nhánh Việt Nam của tập đoàn đa ngành Berjaya Corporation Berhad (Malaysia). Berjaya còn được biết đến là đối tác duy nhất của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trong dự án triển khai kinh doanh xổ số tự chọn tại Việt Nam trong 18 năm qua.
Doanh nhân này còn là Chủ tịch HĐQT các công ty Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, Đầu tư Kinh doanh NP, Chứng khoán Sài Gòn Berjaya, đồng thời là Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công ty TNHH JVA Thành phố Hồ Chí Minh (Jeep Việt Nam).
Trong phần thảo luận, ban lãnh đạo công ty đã trả lời các câu hỏi của cổ đông xoay quanh vấn đề vai trò của cổ đông mới, việc giữ nguyên tên sau và phương hướng hoạt động sau khi Vingroup thoái vốn.
Đại diện doanh nghiệp, Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền khẳng định các cổ đông mới tham gia vào công ty dù chưa có kinh nghiệm làm trung tâm thương mại nhưng rất thành công trong các mô hình bán lẻ – yếu tố quan trọng làm nên sự thành công cho các trung tâm thương mại.
Vì vậy, doanh nghiệp này tin tưởng các cổ đông mới có thể chia sẻ các kinh nghiệm về bán lẻ, đồng thời các cổ đông này cũng là những người đã có các kinh nghiệm về quản trị.
Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền trả lời thảo luận. Ảnh: VRE. |
Bà Hoa cũng nhấn mạnh dù có sự tham gia của các cổ đông mới nhưng Vingroup vẫn luôn hỗ trợ Vincom Retail trong việc quản lý, vận hành các trung tâm thương mại trong thời gian tới, chuỗi trung tâm thương mại vẫn song hành với hệ sinh thái của Vingroup.
Đặc biệt, đối với các dự án mà Vincom Retail đã đặt cọc với Vingroup, Vinhomes thì chính sách, giá trị lợi ích đầu tư vẫn được giữ nguyên.
Về việc đổi tên công ty sau khi chuyển nhượng, bà Hoa cho biết công ty vẫn chưa có kế hoạch đổi tên hoặc bỏ chữ “Vin” trong tên gọi của mình. Theo bà, “Vincom” vẫn gắn với thương hiệu công ty bởi phải mất tới 20 năm gây dựng trở thành trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt, xây dựng cho khách hàng Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam nên tên gọi này là “niềm tự hào” của doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Vincom Retail nhấn mạnh: “Cho đến thời điểm hiện tại Vincom không có ý định đổi tên”.
Về lý do không chi trả cổ tức, Giám đốc tài chính Phạm Thị Ngọc Hà giải thích do công ty có kế hoạch chi trả khoản vay khoảng 4.000 tỷ đồng trong năm 2024 – 2025 và có lưới dự án khoảng 800.000 m2 nên cần khoảng 10.000 tỷ để phát triển.
Nguồn : https://mekongasean.vn/doanh-nghiep/
- Một loại hạt giá rẻ từ Bờ Biển Ngà đang đổ bộ Việt Nam dù nước ta xuất khẩu đứng đầu thế giới, sản lượng trong 7 tháng bằng cả năm 2022 cộng lại
- Bật mí công cụ hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch phái sinh
- Một công ty chứng khoán bán hết cổ phiếu DIG, MSN, TCB trong quý 3, đem tiền gửi ngân hàng
- Đề xuất nâng tiền đặt cọc tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất
- Thủ tướng liên tục yêu cầu tháo gỡ khó khăn nhưng BĐS vẫn vướng từ quy định đầu tiên liên quan đến đất ở