VN-Index tiến gần tới ngưỡng 1.200 điểm

vn index tien gan toi nguong 1 200 diem 64c096de9a733

(ĐTCK) Trong ngày thị trường chịu áp lực bán có phần lấn át, thì hai cổ phiếu lớn VCB và TCB đã đóng vai trò là những trụ cột mạnh mẽ giúp VN-Index tiếp tục có thêm một bước tiến gần tới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.

Thị trường tiếp tục nhích lên nhờ hai trụ cột VCB và TCB, cùng với đó, lực cầu cũng có phần tích cực hơn giúp bảng điện tử đảo sắc với số mã tăng chiếm ưu thế, VN-Index tiến tới gần ngưỡng 1.200 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch trở lại trong phiên chiều.

Tuy nhiên, áp lực bán đã quay trở lại, dù không đủ mạnh nhưng cũng đủ khiến thị trường đảo chiều, thêm vào đó hai trụ cột nêu trên bất ngờ chùng xuống, VN-Index theo đó về dưới 1.195 điểm. Dù vậy, với sự trở lại của chính cặp đôi VCB và TCB đã kéo chỉ số bật trở lại lên trên ngưỡng điểm này về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 207 mã tăng và 250 mã giảm, VN-Index tăng 5,18 điểm (+0,44%), lên 1.195,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, giá trị 20.149 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 82,1 triệu đơn vị, giá trị 1.578 tỷ đồng.

Gần như số điểm VN-Index có được nhờ cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB, khi kết phiên tăng 3,5% lên 91.700 đồng, dù có thời điểm tăng 4,4%, khớp lệnh có hơn 2,35 triệu đơn vị. Vốn hóa thị trường đạt gần 434.000 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần vị trí đứng thứ hai là VHM.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:181 của VCB. Vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức đạt hơn 55.891 tỷ đồng.

Theo sau là TCB với mức tăng 3,2% lên 33.500 đồng, khớp lệnh có hơn 13,2 triệu đơn vị. Mới đây, TCB đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 và lũy kế 6 tháng đầu năm với những chỉ tiêu tích cực.

Giá cổ phiếu TCB theo đó đã leo lên mức cao nhất từ cuối tháng 9 năm ngoái, khối lượng khớp lệnh phiên này cũng là mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Một số cổ phiếu bluechip khác nới thêm chút đà tăng cũng hỗ trợ thêm cho chỉ số đến từ VRE +2,1% lên 29.000 đồng, SAB +1,9% lên 158.000 đồng, TPB +1,9% lên 19.000 đồng, ACB và VNM cũng nhích thêm hơn 1%, trong khi VJC, CTG, MBB, GAS, FPT, BID cũng đóng cửa trong sắc xanh.

Ở chiều ngược lại, chỉ còn bốn mã VIC, BCM, MWG và GVR giảm từ 1% đến 1,8%, còn HDB, POW, STB, MSN, VHM chỉ giảm nhẹ.

Trong khi đó, NVL sau phiên bùng nổ hôm qua đã hạ nhiệt và kết phiên này ở tham chiếu tại 16.200 đồng, tuy nhiên, khớp lệnh vẫn cao nhất thị trường với hơn 42,7 triệu đơn vị.

Tương tự là HPG, PLX, VPB, PDR khi cũng đóng cửa ở tham chiếu, với VPB khớp 26,1 triệu đơn vị, HPG khớp 20,2 triệu đơn vị, PDR khớp 19,7 triệu đơn vị…

Trong số các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, không nhóm nào quá nổi bật khi sự lựa chọn của nhà đầu tư ở vùng giá cao ngày càng trở nên khó khăn hơn. Lực cầu phân tán và không nhiều cổ phiếu tăng tốt, với những cái tên được ưu ái hơn trong phiên này như PHC, AGM, PSH khi đều đóng cửa ở giá trần, với PSH và PHC khớp lần lượt 3,3 triệu và 2,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác đáng kể như CSV +5,6% lên 38.850 đồng, AAA +5,5% lên 12.450 đồng, khớp hơn 26,6 triệu đơn vị, thuộc top những mã thanh khoản cao nhất thị trường, CIG +5,3% lên 7.900 đồng, VPH +4,5% lên 8.760 đồng, VNS +3,7% lên 26.300 đồng, CKG +3,6% lên 26.200 đồng, OCB +3,5% lên 19.050 đồng, APH +3,2% lên 9.790 đồng, EVE +3,2% lên 19.150 đồng.

Nhích hơn 2% chỉ còn PLP, NHH, ITC, ABS, DIG, DAG, TVS, TDC, TNT, với DIG thanh khoản chỉ đứng sau NVL trên sàn với hơn 40,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, một số cổ phiếu nới đà giảm với chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với TGG, CTI, LDG, HCD, HAR, PTL, THG với mức giảm từ 3% đến 5%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co nhẹ sau khi giao dịch trở lại và bất ngờ có nhịp giảm khá mạnh về dưới tham chiếu, nhưng lực cầu nâng đỡ xuất hiện ngay sau đó đã giúp chỉ số trở lại sắc xanh và đóng cửa tăng nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 82 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,17%), lên 236,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107,4 triệu đơn vị, giá trị 1.743,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 112,8 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thanh khoản top đầu đáng kể có TAR, AMV, CEO khi đều tăng khoảng 4%, với CEO dù đã có lúc giảm sản đã +3,9% lên 18.700 đồng, khớp hơn 13,3 triệu đơn vị, AMV và TAR khớp 7,8 triệu và 5,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với 15,9 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu giảm nhẹ 0,7% xuống 15.100 đồng.

Ở những cổ phiếu khác, sắc đỏ tại IDC, IDJ, HUT, MBG, NRC, LIG, AAV, APS, PVC…nhưng đa phần chỉ giảm trên dưới 1,5%, ngoại trừ LIG -5,2% xuống 5.500 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nới thêm đà giảm, nhưng không quá lớn do lực cung được tiết giảm, giúp chỉ số này gần như chỉ giảm nhẹ khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%), xuống 88,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,1 triệu đơn vị, giá trị 859 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,26 triệu đơn vị, giá trị 15,2 tỷ đồng.

Một vài mã tăng tốt với thanh khoản khá có BOT +8,5% lên 5.100 đồng, PFL +7,1% lên 4.500 đồng, PXI +7,9% lên 4.100 đồng và MVC tăng trần +14,4% lên 12.700 đồng.

Phiên này, BSR vẫn là cổ phiếu hút giao dịch nhất, khớp lệnh hơn 9 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích nhẹ 0,5% lên 18.400 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2308 tăng 2,6 điểm, tương đương +0,22% lên 1.194 điểm, khớp lệnh hơn 158.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, khá nhiều mã khớp lệnh tốt từ hơn 1,1 triệu đến 1,45 triệu đơn vị, trong đó, đáng kể có CVRE2220 với mức tăng 14,3% lên 400 đồng/cq.

Nguồn : https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/